ĐÁNH GIÁ ĐỘ XOAY TRỤC CỦA THỦY TINH NHÂN TẠO ĐA TIÊU ĐIỀU CHỈNH LOẠN THỊ
ĐÁNH GIÁ ĐỘ XOAY TRỤC CỦA THỦY TINH NHÂN TẠO ĐA TIÊU ĐIỀU CHỈNH LOẠN THỊ
Vũ Tuấn Anh1, Trần Thị Hoàng Nga1
1 Bệnh viện Mắt Trung ương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: đánh giá độ xoay trục của thể thủy tinh nhân tạo (TTTNT) đa tiêu điều chỉnh loạn thị Acrysof ReSTOR Toric (ART) trên bệnh nhân được phẫu thuật phaco đặt TTTNT ART. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp lâm sàng tiến cứu trên 52 mắt của 46 bệnh nhân đục thể thủy tinh kèm loạn thị giác mạc từ 1,00-3,00D, được phẫu thuật phaco đặt thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu điều chỉnh loạn thị Acrysof ReSTOR Toric. Thời gian theo dõi sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm bao gồm độ xoay trục IOL, thị lực, độ loạn thị tồn dư. Kết quả: Sau mổ 1 tuần, 15,38% mắt lệch trục IOL trong đó 75% dưới 3 độ, 25% từ 3 độ đến 5 độ, độ xoay trục trung bình 2,42±1,12˚. Sau mổ 1 tháng đến 12 tháng có 17,31% mắt xoay trục IOL, 100% dưới 5 độ, độ xoay trục trung bình là 2,28±1,34˚. Khi trục IOL xoay dưới 3 độ, độ loạn thị tồn dư trung bình là -0,12±0,08 D, khi trục IOL xoay trên 3 độ, độ loạn thị tồn dư trung bình là -0,37±0,26. Trục IOL xoay càng nhiều thì độ loạn thị tồn dư càng lớn với p<0,05. Những mắt bị lệch trục IOL có thị lực nhìn xa, nhìn gần và nhìn trung gian chưa chỉnh kính sau mổ thấp hơn so với những mắt không bị lệch trục IOL với p<0,001. Kết luận: Điều chỉnh loạn thị bằng toric IOL đã trở thành một lựa chọn cho nhiều phẫu thuật viên nhãn khoa. Đánh giá độ xoay trục IOL là một bước quan trọng không thể thiếu khi theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phẫu thuật cũng như sự hài lòng của bệnh nhân.
Trong những năm gần đây phẫu thuật thể thủy tinh đã có những tiến bộ đáng kể mang lại thị lực cao và sự hài lòng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, loạn thị sau phẫu thuật là một trong những trở ngại mà các nhà nhãn khoa trên thế giới cũng như Việt Nam gặp phải[1]. Đề khắc phục vấn đề này, các phẫu thuật viên sẽ phải thực hiện thêm phẫu thuật điều chỉnh loạn thị kèm theo như phẫu thuật rạch giác mạc rìa hoặc đường rạch xuyên giác mạc đối xứng trong quá trình mổ phaco. Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật khúc xạ bằng laser có thể được sử dụng để điều chỉnh tật khúc xạ còn lại bao gồm cả loạn thị. Bên cạnh những bất lợi của một phẫu thuật bổ sung như kinh phí, thời gian, nó còn liên quan đến khả năng dự đoán kết quả hạn chế, khô mắt và các vấn đề phục hồi vết thương[2]. Thể thủy tinh nhân tạo (TTTNT) đa tiêu điều chỉnh loạn thị Acrysof ReSTOR Toric (ART) ra đời đã bổ sung cho các phẫu thuật viên phaco một phương pháp tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân đục thể thủy tinh kèm loạn thị giác mạc đều có nhu cầu sử dụng TTTNT đa tiêu cự mà bệnh nhân chỉ trải qua một lần phẫu thuật phaco duy nhất. Loại TTTNT này vừa bảo đảm thị lực nhìn xa, nhìn trung gian, nhìn gần, vừa điều chỉnh được loạn thị trên BN, đồng thời làm tăng chất lượng hình ảnh[3]. Tuy nhiên, xoay trục IOL là một trong các vấn đề hay gặp ảnh hưởng trực tiếp đếnkết quả phẫu thuật cũng như sự hài lòng của bệnh nhân.Chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm đánh giá độ xoay trục của TTTNT đa tiêu điều chỉnh loạn thị Acrysof ReSTOR Toric (ART) và ảnh hưởng của nó đến thị lực, độ loạn thị tồn dư sau phẫu thuật
ĐÁNH GIÁ ĐỘ XOAY TRỤC CỦA THỦY TINH NHÂN TẠO ĐA TIÊU ĐIỀU CHỈNH LOẠN THỊ