ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG THANG ĐIỂM TSS VÀ BRIXIA TRONG X-QUANG NGỰC Ở BỆNH NHÂN MẮC BỆNH COVID 19
ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG THANG ĐIỂM TSS VÀ BRIXIA TRONG X-QUANG NGỰC Ở BỆNH NHÂN MẮC BỆNH COVID 19
Hoàng Thụy Đoan Trâm1, Lê Trung Thi1, Châu Hữu Hầu1
1 Bệnh Viện Nhật Tân
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Áp dụng 2 hệ thống thang điểm TSS (Total Severity Score) và Brixia trong hình ảnh X-quang ngực để đánh giá suy hô hấp cấp nặng do bệnh Covid-19. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu trên 128 bệnh nhân nằm viện vì bệnh Covid-19, có ít nhất 2 lần chụp X-quang phổi lúc vào viện và lúc ra viện hoặc chuyển viện. Kết quả: Hai bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc phim X-quang phổi theo 2 hệ thống thang điểm TSS và Brixia có chỉ số tương hợp tốt kappa lần lượt là 0,734 và 0,668. Nhưng khi so sánh 2 hệ thống thang điểm TSS và Brixia thì chỉ tương hợp ở mức trung bình với kappa 0,584 do hai hệ thống có số điểm tối đa khác nhau (8 và 18 điểm). Thang điểm TSS bỏ sót nhiều bệnh ở mức độ vừa và nặng có nhiều nguy cơ tử vong. Kết luận: Hệ thống thang điểm để đánh giá X-quang phổi là cần thiết trong theo dõi điều trị Covid-19. Thang điểm TSS dễ đánh giá nhưng có thể bỏ sót các bệnh nhân vừa và nặng có nhiều nguy cơ tử vong.
Coronavirus là một họ vi rút có thể gây ra các bệnh như cảm lạnh thông thường, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Bệnh Covid-19 được phát hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đây là một bệnh gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng thứ 2 (SARS-CoV-2). Vào tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát Covid-19 là một đại dịch cho đến ngày hôm nay. Bệnh Covid-19 đã xuất hiện nhiều biến chủng như Alpha xuất hiện ở Anh, Bêta ở Nam Phi, Gamma ở Brazil, Delta ở Ấn Độ và gần đây nhất là biến thể Omicron (B.1.1.529) đang xuất hiện ở nhiều nước [1]. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do Coronavirus 2019 (Covid-19) có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Các dấu hiệu phổ biến có thể bao gồm: sốt, ho, mệt mỏi. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm mất vị giác hoặc khứu giác. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: thở dốc hoặc khó thở,đau cơ, ớn lạnh, viêm họng, sổ mũi, đau đầu, tức ngực, mắt đỏ, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban…Triệu chứng có thể từ rất nhẹ đến rất nặng. Nhưng một số người lại có các triệu chứng Covid-19 trong hơn 4 tuần sau khi được chẩn đoán, tình trạng này được gọi là tình trạng sau Covid-19 hoặc Covid-19 kéo dài. Một số trẻ em có thể gặp hội chứng viêm đa hệ, có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan và mô sau vài tuần nhiễm Covid-19. Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng và nguy cơ này tăng lên theo tuổi. Những người đang mắc các bệnh nền cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn như: bệnh tim, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì, huyết áp cao…[2] Về mặt chẩn đoán, RT-PCR được xem là xét nghiệm tiêu chuẩn để phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19. Hình ảnh học cũng có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân này. X quang ngực là phương tiện hình ảnh đầu tay đối với bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19. Tuy nhiên, X-quang ngực thường kém nhạy để phát hiện các bất thường phổi ở giai đoạn đầu của bệnh. Chụp cắt lớp vi tính (CT) được coi là phương pháp hình ảnh hiệu quả nhất để phát hiện các bất thường ở phổi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh.
ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG THANG ĐIỂM TSS VÀ BRIXIA TRONG X-QUANG NGỰC Ở BỆNH NHÂN MẮC BỆNH COVID 19