ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA QUANG ĐÔNG THỂ MI XUYÊN CỦNG MẠC BẰNG LASER VI XUNG ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA QUANG ĐÔNG THỂ MI XUYÊN CỦNG MẠC BẰNG LASER VI XUNG ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM
Phương Anh Đặng1,, Thị Thu Thủy Phạm 1, Tấn Đỗ 2
Mục tiêu: Đánh giá kết quả phương pháp quang đông thể mi xuyên củng mạc bằng laser vi xung trong điều trị glôcôm. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu can thiệp lâm sàng tiến cứu không có nhóm đối chứng được thực hiện trên bệnh nhân glôcôm đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: bệnh nhân glôcôm nhãn áp không điều chỉnh với số thuốc hạ nhãn áp tối đa (4 thuốc), bệnh nhân đã điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật tăng thoát lưu thủy dịch ≥ 1 lần nhưng thất bại hoặc hình thái glôcôm khó điều trị có nguy cơ thất bại cao nếu phẫu thuật. Bệnh nhân được theo dõi kết quả điều trị tại các thời điểm 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng sau đợt laser đầu tiên. Những bệnh nhân không đạt được nhãn áp mong muốn có thể xem xét laser bổ sung đợt hai ít nhất 1 tháng sau đợt đầu tiên. Nghiên cứu thực hiện tại Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 8 năm 2022. Kết quả: 26 mắt của 25 bệnh nhân có tuổi trung bình 50,2 ± 25,7 được đưa vào nghiên cứu. Chẩn đoán glôcôm tân mạch chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm nghiên cứu (38,5%). Nhãn áp trung bình trước điều trị là 37,7 ± 10,5 mmHg giảm xuống còn 20,6 ± 8,2 mmHg sau 3 tháng (giảm 45,4%), số thuốc hạ nhãn áp trung bình trước điều trị là 2,78 giảm xuống còn 1,33. Trung bình mỗi bệnh nhân được thực hiện 1,23 đợt laser. Tỉ lệ thành công tại thời điểm 3 tháng sau đợt laser đầu tiên là 61,5%. Không ghi nhận biến chứng trầm trọng nào sau điều trị. Kết luận: Quang đông thể mi xuyên củng mạc bằng laser vi xung là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn và có hiệu quả trong điều trị glôcôm.
Glôcôm là bệnh lý đặc trưngdosự chết khônghồi phục của các tế bào hạch võng mạc. Theo nghiên cứu của Tham và cộng sự công bố năm 2014, trong giai đoạn 2020 đến 2040, trên thế giới sẽ có khoảng 3,5% số người từ 40 đến 80 tuổi bị glôcôm, đến năm 2040 tổng số người mắc glôcôm có thể lên tới 118 triệu người1. Trong các phương pháp điều trị glôcôm, laser quang đông thể mi thường được lựa chọn cho những bệnh nhân đã thất bại với điều trị thuốc và phẫu thuật tăng thoát dẫn lưu thủy dịch, bởi khả năng hạ nhãn áp tốt cùng với tỉ lệ biến chứng thấp hơn và ít nghiêm trọng hơn so với những biện pháp phá hủy thể mi khác. Hiện nay quang đông thể mi phát triển với công nghệ laser vi xung có thể đem lại hiệu quả tốt, ít biến chứng hơn trước đây và có khả năng mở rộng chỉ định điều trị với những đối tượng thị lực còn tương đối tốt. Tại Việt Nam, nghiên cứu “Ứng dụng phương pháp quang đông thể mi bằng laser diode 810 nm trong điều trị một số hình thái glôcôm phức tạp” của Vũ Anh Tuấn đã báo cáo kết quả rất khả quan của quang đông thể mi với laser sóng liên tục2. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đánh giá kết quả quang đông thể mi với laser vi xung. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của phương pháp quang đông thể mi xuyên củng mạc bằng laser vi xung trong điều trị glôcôm
Nguồn: https://luanvanyhoc.com