Đánh giá hiệu quả diệt Helicobacter pylori của hai phác đồ điều trị viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em

Đánh giá hiệu quả diệt Helicobacter pylori của hai phác đồ điều trị viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em

Nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) là một trong những nhiễm trùng thường gặp nhất ở người. H.pylori đã được chứng minh là có liên quan đến viêm, loét và ung thư dạ dày tá tràng [49], [66]. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới khoảng 50% dân số thế giới có nhiễm H.pylori [100]. Trẻ em là thời điểm dễ bị nhiễm H.pylori và tần suất nhiễm tăng dần theo tuổi [6], [69], [72], [74], [88].
Những nghiên cứu ở trẻ em cho thấy viêm dạ dày mạn tính (VDDMT) gặp với tỉ lệ 12-56% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa trên và chiếm tới 17-63% số trẻ em đau bụng tái diễn, trong đó tỉ lệ nhiễm H.pylori từ 56¬79,4% [6], [9], [100]. Bệnh thường diễn biến kéo dài tiến triển thành từng đợt, tỉ lệ điều trị thất bại cao. Nhiễm H.pylori ở trẻ em ít khi gây ra những bệnh lý nặng ngay từ thời niên thiếu như u lympho niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày. Tỉ lệ bị loét dạ dày tá tràng cũng ít gặp hơn nhiều so với người lớn, ở trẻ em chủ yếu chỉ gặp VDDMT tuy nhiên hiện nay VDDMT do H.pylori được cho rằng là tiền đề dẫn đến loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày về sau [6], [9], [12], [49], [88], [100].
Phác đồ khuyến cáo cho điều trị nhiễm H. pylori ở người lớn là sự kết hợp ba thuốc gồm thuốc ức chế bơm proton và hai kháng sinh [16], [34], [62]. Phác đồ điều trị nhiễm H. pylori ở trẻ em hiện nay sử dụng sự kết hợp hai kháng sinh và một thuốc ức chế bơm proton tương tự như các phác đồ điều trị cho người lớn [37]. Phác đồ sử dụng 3 thuốc trong điều trị viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em Việt Nam cho hiệu quả diệt H.pylori là 62,1% (sử dụng metronidazole) và 54,7% (sử dụng clarithromycin) [96]. Kết quả điều trị nhiễm H.pylori phụ thuộc vào sự kháng kháng sinh. Tỷ lệ H.pylori kháng metronidazole ở trẻ em trên thế giới dao động từ 15,8 đến 76% trong đó tỷ lệ kháng thuốc này cao nhất ở các nước đang phát triển [50], [82]. Tỷ lệ kháng clarithromycin là 5,9 – 45% [50], [82] trong khi amoxicillin bị kháng rất ít [54]. Ở trẻ em Việt Nam, 50,9% kháng clarithromycin, 65,3% kháng metronidazole trong khi tỷ lệ kháng amoxicilline là 0,5% [8]. Ảnh hưởng của tình trạng kháng kháng sinh dến hiệu quả điều trị đã được chứng minh trong một nghiên cứu đa phân tích [30]. Tỷ lệ diệt trừ H. pylori giảm tới 35% khi sử dụng phác đồ có clarithromycin cho bệnh nhân có mang chủng vi khuẩn kháng clarithromycin do đó phác đồ điều trị có clarithromycin không được khuyến cáo áp dụng ở những vùng có tỷ lệ kháng clarithromycin trên 20% [44], [62].
Gần đây phác đồ trình tự với 5 ngày đầu tiên sử dụng amoxicillin và thuốc ức chế bơm proton hai lần trong ngày sau đó là 5 ngày sử dụng ba thuốc clarithromycin, metronidazole (hoặc tinidazole) và thuốc ức chế bơm proton sử dụng hai lần trong ngày đã được công bố cho kết quả diệt trừ H.pylori khá khả quan ở người lớn với hiệu quả diệt H.pylori trên 90% [21], [22], [33], [44], [46], [68], [89], [102], [109]. Phác đồ trình tự đã được chứng minh có hiệu quả cao hơn khi so với phác đồ ba thuốc và sự kết hợp này dường như rất có hiệu quả trên những bệnh nhân có tình trạng kháng clarithromycin [44]. Cho đến nay thông tin về hiệu quả của phác đồ điều trị theo trình tự ở trẻ em trên thế giới còn hạn chế. Tại Việt Nam tình trạng kháng clarithromycin ở trẻ em khá cao và phác đồ điều trị theo trình tự chưa được áp dụng. Xuất phát từ vấn đề này chúng tôi tiến hành đề tài “Đánh giá hiệu quả diệt Helicobacter pylori của hai phác đồ điều trị viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em” nhằm mục tiêu:
1.    Mô tả đặc diểm lâm sàng và nội soi của viêm dạ dày mạn tính.
2.    So sánh hiệu quả diệt H.pylori của phác đồ ACE sử dụng amoxicillin, clarithromycin, và esomeprazole với phác đồ trình tự ở trẻ em bị viêm dạ dày mạn tính do H.pylori tại Bệnh viện Nhi Trung
ương.
MỤC LỤC
Trang
Đặt vấn đề    1
Chương 1. Tổng quan    3
1.1.    Lịch sử nghiên cứu H.pylori    3
1.2.    Nhiễm H.pylori    4
1.3.    Bệnh lý do H.pylori    7
1.4.    Chẩn đoán VDDMT do H.pylori    12
1.5.    Điều trị VDDMT do H.pylori    19
Chương 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu    28
2.1.    Đối tượng nghiên cứu    28
2.2.    Phương pháp nghiên cứu    29
Chương 3. Kết quả nghiên cứu    35
3.1.    Đặc điểm lâm sàng VDDMT do H.pylori    35
3.2.    Đặc điểm nội soi VDDMT do H.pylori    38
3.3.    Kết quả điều trị    42
Chương 4. Bàn luận    47
4.1.    Lâm sàng và hình ảnh nội soi của VDDMT do H.pylori    47
4.2.    Hình ảnh nội soi của VDDMT do H.pylori    52
4.3.    Hiệu quả của điều trị    54
Kết luận    59
Phương hướng nghiên cứu tiếp    60

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment