Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp bài thuốc Tam tý thang kết hợp với điện xung
Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp bài thuốc “Tam tý thang” kết hợp với điện xung.Thoái hóa khớp (THK) là một bệnh lý mạn tính bao gồm tổn thương sụn khớp là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của thoái hóa khớp vẫn còn chưa rõ ràng, tuy nhiên nhiều giả thuyết cho rằng vấn đề lão hóa do tuổi tác và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài là những nguyên nhân chính dẫn tới thoái hóa khớp [1].
Thoái hóa khớp là một bệnh khớp rất thường gặp ở mọi quốc gia trên thế giới. Có khoảng 18% nữ và 9,5% nam giới trên toàn cầu mắc bệnh THK nói chung, trong đó THK gối chiếm tới 15% dân số [2].
Ở Mỹ hàng năm có 21 triệu người mắc bệnh THK, với 4 triệu người phải nằm viện, khoảng 100.000 bệnh nhân không thể đi lại được do THK gối nặng. THK gối là nguyên nhân gây tàn tật cho người có tuổi đứng thứ hai sau bệnh tim mạch [3]. Ở Việt Nam, THK đứng hàng thứ ba (4,66%) trong các bệnh có tổn thương khớp, trong đó THK gối chiếm 56,5% tổng số các bệnh khớp do thoái hóa cần điều trị nội trú. Tỷ lệ thoái hóa khớp của bệnh viện Bạch Mai từ 1991 – 2000 là 4,66% số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa cơ xương khớp [4].
Chức năng chính của khớp gối là chịu sức nặng của cơ thể và là khớp hoạt động nhiều khớp gối bị thoái hóa với các triệu chứng đau và hạn chế chức năng đi lại, sinh hoạt của người bệnh, vì vậy THK gối không những làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà còn gây hạn chế giao tiếp, tổn hại kinh tế của người bệnh. Tại các nước Châu Âu chi phí trực tiếp cho điều trị THK khoảng 4.000 USD/bệnh nhân/năm [5]. Ở Việt Nam mỗi đợt điều trị nội khoa THK khoảng 2 – 4 triệu VNĐ, chưa kể đến chi phí cho các dịch vụ khác liên quan đến điều trị [6]. Điều trị THK gối theo Y học hiện đại (YHHĐ) bao gồm nhiều phương pháp: Không dùng thuốc, dùng thuốc, ngoại khoa…
Mặc dù y học có những bước phát triển vượt bậc nhưng đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn THK. Hiện nay, việc điều trị THK gối chủ yếu là dùng các nhóm thuốc giảm đau, chống viêm toàn thân hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Mặc dù các nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm đau, làm chậm quá trình THK, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ như gây xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan…
Điện xung là một phương pháp điều trị trong vật lý trị liệu bằng các xung điện có tần số thấp và trung bình có tác dụng giảm đau, giảm trương lực cơ co thắt, thư giãn cơ do tác động dòng điện xung khi đi vào tủy sống làm ức chế sự dẫn chuyền cảm giác đau lên não do đó làm giảm cảm giác đau ra ngoài, ngoài ra còn kích thích não giải phóng các mócphin nội sinh (gọi endorphin) nên có tác dụng giảm đau đã được sử dụng nhiều rộng rãi trong điều trị bệnh lý về cơ xương khớp [7]. Theo Y học cổ truyền (YHCT) thoái hóa khớp gối thuộc phạm vi chứng tý. Nguyên nhân do phong, hàn, thấp xâm phạm cùng với chính khí suy giảm mà gây nên bệnh. Việc điều trị kết hợp Điện xung với dùng bài thuốc y học cổ truyền là một phương pháp mới ở nước ta hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu điều trị thóai hóa khớp gối đồng thời với mục đích nâng cao hiệu quả điều trị, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp bài thuốc “Tam tý thang” kết hợp với điện xung với các mục tiêu sau:
1. Đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp bài thuốc “tam tý thang” kết hợp với điện xung.
2. Đánh giá tác dụng không mong muốn của phương pháp “bài thuốc tam tý thang” kết hợp với điện xung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Ái (2006), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp, Luận văn thạc sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, tr. 19-21.
2. Trần Ngọc Ân (2004), “Hư khớp”, Bệnh học nội khoa tập II, NXB Y học, tr. 327-342.
3. Aggaarwal Anita (2003), “A.H. injection for knee osteoarthritis”. Canadian family physician, pp. 133-135.
4. Nguyễn Vĩnh Ngọc, Trần Ngọc Ân, Nguyễn Thu Hiền (2002), “Đánh giá tình hình bệnh khớp tại Khoa cơ xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai trong 10 năm (1991 – 2000)”, Báo cáo khoa học Đại hội toàn quốc lần thứ 3, Hội thấp khớp học Việt Nam, tr. 263-267.
5. Gabriel SE, Crowson CS, Campion ME (1997), Direct medical costs unique to people with arthritis, J Rheumatol. 24(4), pp. 719-25.
6. Nguyễn Thị Mộng Trang, Lê Thị Anh Thư (2004), Tình hình thoái hóa khớp tại khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy trong 3 năm (2/2001 – 2/2004), Báo cáo khoa học hội thấp khớp học lần thứ 3. Hội thấp khớp học Việt Nam, tr. 13-18.
7. Nguyễn Xuân Nghiên (2002), “Kích thích điện thần kinh cơ”, Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, NXB Y học, tr 203.
8. Nguyễn Thị Ngọc Lan (2009), “Nghiên cứu hiệu quả của Glucosamin Sulfat (Viatril-S) trong điều trị thoái hóa khớp gối”, Tạp chí nội khoa, số 4, tr. 112-118.
9. Edited by Pr R. Trves (2003), Osteoarthritis and osteoporosis What is the relationship? Studio Tomcat Neuilly – Sur – Seine – Traduction: Vandeloo and Associates Depot legan 2 trimestre, pp. 65-70.
10. Phạm Thị Cẩm Hưng (2004), Đánh giá tác dụng điều trị nhiệt kết hợp vận động trong điều trị thoái hóa khớp gối, Luận văn thạc sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, tr. 3-70.