Đánh giá hiệu quả truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi và cô nuôi dạy trẻ tại một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên
Đánh giá hiệu quả truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi và cô nuôi dạy trẻ tại một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên.Thực phẩm được coi là sản phẩm đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người. Việc cung cấp thực phẩm và nước uống an toàn, đảm bảo chất lượng là rất cần thiết. Thực phẩm không những có tác động thường xuyên đối với sức khỏe mỗi con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc. Khi bàn đến tác động của vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vấn đề cần quan tâm hơn cả và đòi hỏi những nỗ lực lớn để khắc phục các hậu quả của nó là ảnh hưởng của thực phẩm không đảm bảo vệ sinh gây ngộ độc nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người…
Thiếu hiểu biết về dinh dưỡng và thực hành vệ sinh kém của người mẹ trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) nặng. Thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn gây nên các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ là một trong số các nguyên nhân thường gặp nhất, gây hậu quả nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng. Phụ nữ có con dưới 5 tuổi, những người trực tiếp chăm sóc trẻ tại gia đình, nhà trẻ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng SDD trẻ em [36][41].
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính, mỗi năm có tới 1.500 triệu lượt trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới bị tiêu chảy, trong đó hơn 3 triệu trẻ đã bị tử vong. Hầu hết các vụ ngộ độc do Escherichia coli gây tiêu chảy nghiêm trọng đều có liên quan đến thực hành chế biến và bảo quản thực phẩm như ô nhiễm chéo từ thực phẩm tươi sống sang thức ăn chín, lây nhiễm vi khuẩn thông qua nguồn nước, dụng cụ nhà bếp (dao, thớt…), dụng cụ ăn uống, nấu thực phẩm chưa chín kỹ hoặc vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến kém
Nhiều diễn đàn quốc tế về phòng chống SDD trẻ em đã đưa vấn đề giảm tỷ lệ SDD thành chương trình hành động và cam kết. WHO và UNICEF đã thống nhất mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ SDD trẻ em xuống 15% vào năm 2015. Để vươn tới mục tiêu này, song song với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, giảm bớt đói nghèo thì những nỗ lực thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng trong chăm sóc trẻ em ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Hưng Yên là một trong các tỉnh đang triển khai các hoạt động phòng chống SDD. Trong số các hoạt động phòng chống SDD tại địa phương, vấn đề đảm bảo VSATTP dù đã được Trung tâm Y tế xếp vào hạng mục ưu tiên nhưng việc tiến hành còn gặp nhiều khó khăn, nhiều bếp ăn của nhà trẻ, trường mẫu giáo chưa đạt yêu cầu vệ sinh cơ sở, các khâu chế biến chưa đảm bảo VSATTP, kiến thức, thực hành của các bà mẹ và cô nuôi dạy trẻ vẫn còn hạn chế, cần nhiều nỗ lực và giải pháp hơn nữa để cải thiện trong đó công tác truyền thông VSATTP được ưu tiên trước hết. Do vậy chúng tôi đã tiến hành đề tài
“Đánh giá hiệu quả truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi và cô nuôi dạy trẻ tại một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên” với các mục tiêu sau:
1. Mô tả tình trạng cải thiện vệ sinh bếp ăn nhà trẻ sau can thiệp bằng truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Đánh giá hiệu quả cải thiện kiến thức, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi và cô nuôi dạy trẻ sau can thiệp bằng truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm
Nguồn: https://luanvanyhoc.com