Đánh giá hiệu quả việc chăm sóc sơ sinh bằng mô hình kết hợp sản-nhi tại khoa sản bệnh viện Trường Đại học Y Huế
Luận án Đánh giá hiệu quả việc chăm sóc sơ sinh bằng mô hình kết hợp sản-nhi tại khoa sản bệnh viện Trường Đại học Y Huế.Trong vài thập niên gần đây, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta nói chung đã giảm một cách đáng kể còn 28 %0 năm 2005 [1], [2]. Đó là do điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, sự áp dụng sâu rộng của các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khoẻ ban đầu đặc biệt là chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong sơ sinh đã giảm không đáng kể. Theo Đinh văn Thức tỷ lệ tử vong sơ sinh sớm tại Hải Phòng từ 1995 đến 1999 hầu như không thay đổi (11,19 %0 năm 1995 và 11,92 %0 năm 1999) [29]. Theo Đinh thị Phương Hòa, tử vong sơ sinh ở các bệnh viện nhi một số tỉnh miền bắc chiếm 51% tử vong nhi chung, xảy ra nhiều nhất ở ngày đầu sau đẻ [8], [9]. Kết quả tương tự với những nghiên cứu tại miền trung [3]. Đáng kinh ngạc nhất là tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam hiện nay chiếm 1/2 số chết của trẻ em dưới 5 tuổi và chiếm 3/4 tổng số chết trẻ em dưới 1 tuổi. Hai phần ba số tử vong sơ sinh xảy ra trong tuần đầu, hai phần ba số tử vong này chết trong 24 giờ đầu sau đẻ [1], [15], [16], [17], [26]. Theo tổ chức y tế thế giới (2006), hơn 130 triệu trẻ được sinh hàng năm, hơn 10 triệu trẻ tử vong trước 5 ngày, 8 triệu trẻ tử vong trong ngày đầu tiên [89], [90]. Trong số tử vong này, Việt Nam chiếm phần không nhỏ. Như vậy, muốn đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi đặc biệt tử vong sơ sinh ở nước ta phải dành ưu tiên lớn nhất cho việc cứu sống sinh mạng trẻ trong giai đoạn sơ sinh sớm (0 – 6 ngày tuổi) [2].
Ngày 10/10/2003 Bộ Trưởng Bộ Y Tế đã ban hành chỉ thị 04 về tăng cường chất lượng chăm sóc sơ sinh nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Chỉ thị đã nêu rõ chính sự thiếu phối hợp giữa chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi trong công tác chăm sóc sơ sinh đã góp phần làm tỷ lệ tử vong sơ sinh sớm không giảm trong thời gian qua.
Hiện nay trên toàn quốc việc chăm sóc, điều trị sơ sinh kể cả sơ sinh bệnh lý trong giai đoạn sơ sinh sớm diễn ra tại khoa sơ sinh của khoa sản các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện và đều do các cán bộ y tế biên chế thuộc ngành sản đảm nhiệm [17]. Trẻ sơ sinh được chuyển đến khoa nhi cùng bệnh viện hoặc bệnh viện nhi khoa tuyến trên khi trở bệnh nặng. Thời điểm mọi người ở khoa sản đều công nhận cháu bé sơ sinh bị bệnh thì cơ may điều trị thành công của các bác sĩ khoa nhi không cao ngay những nơi có đơn vị sơ sinh được trang bị những máy móc đắt tiền, hiện đại.
Từ khi chỉ thỉ 04 của bộ Y Tế ban hành đến nay vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể trong thực hành lâm sàng chăm sóc trẻ giai đoạn sơ sinh sớm ở các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện.
Kinh nghiệm của những nước đã phát triển trên thế giới cho thấy rằng để chăm sóc tốt sức khỏe trẻ sơ sinh không nhất thiết phải có những kỹ thuật tiến bộ, những đột phá về khoa học y học, mua sắm những trang thiết bị đắt tiền. Ở những đất nước này, họ làm tốt các chương trình chăm sóc thai sản trong đó chăm sóc sơ sinh giai đoạn sau sinh theo mô hình kết hợp sản – nhi đã giảm tử vong sơ sinh đặc biệt giai đoạn sơ sinh sớm [2], [129].
Chăm sóc sơ sinh theo kết hợp sản – nhi là thực hành các can thiệp của chuyên ngành nhi phối hợp chuyên ngành sản trong khu vực địa lý của khoa sản ngay từ khi trẻ cắt rốn. Những can thiệp chủ yếu bao gồm những can thiệp trong hồi sức sơ sinh và điều trị nối tiếp bằng sử dụng các phác đồ xử trí dựa trên đặc điểm sinh – bệnh lý từng loại sơ sinh ngay từ khi lọt lòng mẹ đang còn ở khoa sản cho đến khi chuyển đến khoa nhi. Đội ngũ chịu trách nhiệm thực hiện những can thiệp này là các bác sĩ nhi khoa đã qua huấn luyện về sơ sinh học. Sự can thiệp sớm từ khi cắt rốn bằng những dụng cụ đơn giản, tối thiểu cho hồi sức đã thu được kết quả ngoạn mục mà không nhất thiết phải có những trang thiết bị hiện đại, đắc tiền như máy thở.
Trên cơ sở lý luận đó, tại khoa sản bệnh viện Trường Đại học Y Huế,việc chăm sóc sơ sinh sau đẻ theo mô hình kết hợp sản – nhi đã được thực hiện từ năm 2003. Khoa sản bệnh viện trung ương Huế cách không xa, sơ sinh sau đẻ tại đây được chăm sóc bởi các cán bộ biên chế ngành sản như các bệnh viện đa khoa khác trên toàn quốc.
Để chứng minh tính hiệu quả của việc chăm sóc sơ sinh theo mô hình này, đề tài: “Đánh giá hiệu quả việc chăm sóc sơ sinh bằng mô hình kết hợp sản – nhi tại khoa sản bệnh viện Trường Đại hoc YHuế” được thực hiện nhằm các mục tiêu:
1. Điều tra tỷ suất chết, mô hình bệnh tật, nguyên nhân dẫn đến tử vong giai đoạn sơ sinh sớm năm 2003 tại khoa sản bệnh viện trung ương Huế được chăm sóc không theo mô hình kết hợp sản – nhi.
2. Phân tích một số yếu tố nguy cơ về phía con liên quan tử vong giai đoạn sơ sinh sớm.
3. Đánh giá hiệu quả việc chăm sóc sơ sinh theo mô hình kết hợp sản – nhi tại khoa sản bệnh viện Trường Đại học Y Huế .
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa Lời cảm ơn Lời cam đoan Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
Chương 1 – TỔNG QUAN TÀI LIỆU 4
1.1. Dịch tễ học các loại sơ sinh nguy cơ và biện pháp dự phòng, xử trí 4
1.2. Dịch tễ học các bệnh lý thường gặp giai đoạn sơ sinh sớm và biện pháp
phòng chống 18
1.3. Một số mô hình sản – nhi trong chăm sóc sơ sinh trong và ngoài nước . 26
Chương 2 – ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 39
2.1. Nghiên cứu mô tả tình hình bệnh tật và nguyên nhân tử vong
sơ sinh sớm (2003) 39
2.2. Nghiên cứu phân tích các yếu tố nguy cơ bằng nghiên cứu bệnh – chứng 46
2.3. Nghiên cứu can thiệp (2003-2006) 50
Chương 3 – KẾT QUẢ 61
3.1. Mô hình bệnh tật, tỷ lệ tử vong sơ sinh sớm, nguyên nhân tử vong tại
khoa sản bệnh viện trung ương Huế 61
3.2. Các yếu tố nguy cơ về phía con 72
3.3. Đánh giá hiệu quả việc chăm sóc sơ sinh theo mô hình kết hợp
sản – nhi tại khoa sản bệnh viện trường đại học y Huế 74
Chương 4 – BÀN LUẬN 87
4.1. Mô hình bệnh tật, tỷ lệ tử vong, nguyên nhân tử vong sơ sinh sớm tại khoa sản bệnh viện trung ương Huế 87
4.2. Các yếu tố nguy cơ về phía con 108
4.3. Đánh giá hiệu quả việc chăm sóc sơ sinh theo mô hình kết hợp sản – nhi
tại khoa sản bệnh viện trường đại học y Huế 111
KÉT LUẬN 123
KIÉN NGHỊ 125
TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC