Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi qua phúc mạc lấy thận ghép trên người cho sống tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi qua phúc mạc lấy thận ghép trên người cho sống tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.Ghép thận là một trong những phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiệu quả, mang lại chất lượng cuộc sống cao cho người bệnh[1]. Trên thế giới ghép thận trên người đã được thực hiện thành công vào những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ XX.
Qui trình ghép thận bao gồm: lấy thận (nguồn thận có thể lấy từ người cho sống, người cho chết não), rửa, bảo quản thận và ghép thận. Đối với những trường hợp lấy thận từ người sống vấn đề lựa chọn thận lấy, đánh giá sức khỏe người cho, mức độ an toàn của cuộc mổ cũng như sự thành công của thận ghép là rất quan trọng.
Về kỹ thuật mổ lấy thận trên người cho sống, trước đây các phẫu thuật viên ghép tạng sử dụng đường mổ qua ổ bụng, sau đó chuyển sang đường hông lưng sau phúc mạc. Mổ mở lấy thận đã được sử dụng trong thời gian dài, tuy nhiên kỹ thuật này có một số hạn chế: đường mổ dài, xâm lấn nhiều, vấn đề đau sau mổ,vấn đề thẩm mỹ, thời gian nằm viện dài và chi phí điều trị cao…[2],[3],[4],[5].
Với sự tiến bộ của khoa học vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, phẫu thuật nội soi ra đời là bước ngoặt lớn trong lĩnh vực ngoại khoa nói chung và trong ngành ghép tạng nói riêng. Phẫu thuật nội soi có ưu điểm như: đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, ít tai biến- biến chứng, ít đau hơn, tăng khả năng hồi phục và có tính thẩm mỹ cao… đó là lý do giải thích tại sao những năm gần đây người cho thận sống trên thế giới có khuynh hướng gia tăng[6].
Phẫu thuật nội soi ổ bụng (NSOB- laparoscopy) cắt thận thực nghiệm được thực hiện bởi Clayman RV và cộng sự vào tháng 6 năm 1990[7]. Một năm sau đó (1991) cũng tác giả này báo cáo trường hợp cắt thận đầu tiên trên một bệnh nhân u thận[8]. Cắt thận để ghép qua nội soi ổ bụng được thực hiện đầu tiên vào năm 1995 bởi Ratner LE và Kavoussi LR[9],[10]. Cho đến nay kỹ thuật này đã trở thành thường qui tại các trung tâm ghép thận lớn trên thế giới[11],[12]. Vai trò của phẫu thuật nội soi cắt thận để ghép trên người cho sống ngày càng được khẳng định qua trường hợp thứ 1000 của Hoa Kỳ, báo cáo tại Hội nghị Ghép Tạng Thế giới 2006 ở Boston[13].
Tại Việt Nam ghép thận đầu tiên được thực hiện vào năm 1992. Nhu cầu ghép thận là rất lớn, nguồn thận ghép chủ yếu vẫn là từ người cho sống (các nguồn thận khác từ người cho chết não hay tim ngừng đập còn gặp phải rào cản về pháp lý hoặc tập tục duy tâm). Phẫu thuật lấy thận để ghép phần lớn vẫn áp dụng kỹ thuật mổ mở. Việc ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy thận ghép trên người cho sống theo xu hướng phát triển của y học thế giới và phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết giúp giảm sang chấn với người cho thận. Phẫu thuật nội soi qua phúc mạc có hỗ trợ bằng tay được thực hiện trên cơ sở phẫu thuật nội soi kết hợp đưa bàn tay phẫu thuật viên vào ổ bụng trong quá trình mổ. Kỹ thuật này như là một giải pháp thay thế mổ nội soi thông thường để giảm thời gian mổ, giảm thời gian thiếu máu nóng do nhanh chóng đưa thận ra khỏi ổ bụng, giảm thiểu các nguy cơ phẫu thuật đặc biệt là nguy cơ chảy máu. Tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bắt đầu tiến hành phẫu thuật nội soi qua phúc mạc có bàn tay hỗ trợ lấy thận ghép từ người sống cho thận từ tháng 12/2015.
Tuy nhiên để đánh giá nội soi qua phúc mạc cón bàn tay hỗ trợ lấy thận để ghép có thật sự an toàn đối với người cho thận. Chất lượng quả thận lấy qua nội soi ra sao? Đó là những vấn đề cần quan tâm trong nghiên cứu này. Trong khi đó chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Do vậy chúng tôi thực hiện đề tài: “Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi qua phúc mạc lấy thận ghép trên người cho sống tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức” với 2 mục tiêu:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của người sống hiến thận được phẫu thuật nội soi qua phúc mạc có bàn tay hỗ trợ lấy thận tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
2. Đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi qua phúc mạc có bàn tay hỗ trợ lấy thận ghép trên người cho sống tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giai đoạn 2016- 2018.