Đánh giá kết quả quản lý, hiệu quả điều trị bệnh nhân THA ngoại trú tại khoa Khám Bệnh-Bệnh Viện E trong 3 năm 2010-2013
Đánh giá kết quả quản lý, hiệu quả điều trị bệnh nhân THA ngoại trú tại khoa Khám Bệnh-Bệnh Viện E trong 3 năm 2010-2013.Tăng huyết áp( THA ) nguyên phát là một bệnh lý phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu đối với con người đặc biệt là người cao tuổi( trong số các trường hợp mắc bệnh và tử vong do tim mạch hàng năm có khoảng 30 – 40% nguyên nhân trực tiếp là THA). Tỷ lệ THA có xu hướng tăng theo tuổi, vấn đề càng nổi trội khi tuổi thọ trung bình của con người ngày càng cao, do đó tần xuất mắc bệnh ngày càng tăng. Theo tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ THA trên thế giới năm 2000 là 26,4%, tương đương 972 triệu người , riêng các nước đang phát triển có tới 639 triệu người. Dự kiến tỷ lệ THA đến năm 2025 là 29,2%, tức là khoảng 1,56 tỷ người mắc bệnh THA [19;20] .
Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh THA cũng ngày càng gia tăng, theo các số liệu điều tra cho thấy, năm 1960 tỷ lệ THA chỉ khoảng 1% dân số, năm 1992 thì tỷ lệ bệnh THA đã là 11,9%, đến năm 2001 tỷ lệ THAlà 16,3% và năm 2005 là 18,3%[ 7]; [12]. Tuổi đời càng cao thì HA càng tăng đối với cả nam và nữ, từ 65 tuổi trở lên thì có hơn 50% bị THA (cả nam và nữ). Theo điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim Mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn ( > 25 tuổi) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta, tỷ lệ THA đã tăng lên đến 25,1%[7].Tỷ lệ người bệnh THA được điều trị ở thành phố chỉ khoảng 19,1%, trong số bệnh nhân được điều trị thì tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu chỉ khoảng 2,2%. Tỷ lệ BN THA không biết bị bệnh hoặc biết bị bệnh nhưng chưa được điều trị đầy đủ còn rất phổ biến (gần 60 – 80%), nhiều BN chỉ đến khám và điều trị khi thấy khó chịu, hoặc sau khi đã bị các tai biến như TBMMN, Suy tim, Bệnh mạch vành. Lý do chính là do trình độ dân trí của người dân chưa cao, do thiếu thông tin để hiểu biết về bệnh THA, do điều kiện kinh tế khó khăn và lại chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ và chưa được giáo dục sức khỏe một cách thường xuyên. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân vẫn bị các biến chứng nặng nề như: TBMMN, suy tim. Suy thận, NMCT….. Tỷ lệ BN phải nhập viện điều trị nội trú, gây tàn phế hoặc tử vong do bệnh THA gây ra vẫn còn nhiều[15].
Ở các nước phát triển như nước Mỹ, do điều kiện kinh tế phát triển cũng như trình dộ dân trí cao, mạng lưới Y tế cộng đồng rộng khắp cùng với nhiều chương trình giáo dục người bệnh THA thường xuyên nên tỷ lệ BN THA được quản lý và được điều trị đạt 65,1%, nhưng tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu chỉ là 36,8%[17]. Trong nhiều năm qua, các nước phát triển đã sớm coi trọng việc phát hiện sớm, quản lý và điều trị tốt cho bệnh nhân THA tại cộng đồng, đồng thời thường xuyên tư vấn, giáo dục cho người bệnh thay đổi lối sống, đề phòng và hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra[17, 20].
Ở nước ta, tỷ lệ bệnh THA tăng nhanh, nhưng số BN được phát hiện và điều trị còn thấp đặc biệt là tỷ lệ điều trị đạt huyết áp mục tiêu còn rất hạn chế. Nhưng cho đến nay chưa có mô hình quản lý , theo dõi và dự phòng các biến chứng của bệnh trong phạm vi cộng đồng, mới chỉ tập trung vào công tác điều trị nội trú, làm tăng chi phí cho gia đình, xã hội và tăng tình trạng quá tải trong các bệnh viện. Vấn đề quản lý bệnh THA ngoại trú mới chỉ được áp dụng ở một số nơi có đơn vị quản lý bệnh THA ngoại trú[12, 15].
Riêng tại Bệnh Viện E, từ năm 2010 đã áp dụng quản lý một số bệnh theo hình thức cấp sổ ngoại trú, lĩnh thuốc định kỳ hàng tháng trong đó có bệnh THA, nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá về việc quản lý bệnh THA ngoại trú, vậy chúng tôi tiến hành đề tài “ Đánh giá kết quả quản lý, hiệu quả điều trị bệnh nhân THA ngoại trú tại khoa Khám Bệnh – Bệnh Viện E trong 3 năm 2010 – 2013” vơi 2 mục tiêu:
1- Nghiên cứu thực trạng bệnh nhân THA điều trị tại khoa Khám Bệnh- Bệnh Viện E.
2- Đánh giá hiệu quả quản lý, điều trị bệnh THA tại khoa Khám Bệnh- Bệnh Viện E