ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TÌM CA NHIỄM MỚI HIV KẾT NỐI ĐIỀU TRỊ ARV TẠI HUYỆN ĐỨC HÒA, BẾN LỨC VÀ THÀNH PHỐ TÂN AN TỈNH LONG AN, NĂM 2020
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TÌM CA NHIỄM MỚI HIV KẾT NỐI ĐIỀU TRỊ ARV TẠI HUYỆN ĐỨC HÒA, BẾN LỨC VÀ THÀNH PHỐ TÂN AN TỈNH LONG AN, NĂM 2020
Học viên: Lê Văn Tuấn
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thanh Hương
Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam gọi tắt là dự án EPIC do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tài trợ thông qua Ban quản lý dự án EPIC – Bộ Y tế triển khai tại tỉnh Long An từ tháng 6 năm 2018 với mục tiêu tìm người nhiễm HIV mới kết nối điều trị ARV nhằm đạt mục tiêu 90-90-90. Nghiên cứu mô tả một số kết quả và yếu tố ảnh hưởng đến tìm ca nhiễm mới HIV từ bạn tình người nhiễm HIV và kết nối điều trị ARV tại huyện Đức Hòa, Bến Lức và thành phố Tân An, tỉnh Long An trong 2 năm (6/2018-5/2020), từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai các hoạt động được hiệu quả hơn.
Đây là nghiên cứu mô tả cắt ngang sử dụng phương pháp định lượng (phân tích số liệu thứ cấp) kết hợp nghiên cứu định tính, phỏng vấn sâu 4 nhóm đối tượng gồm 15 người và thảo luận nhóm 6 nhóm đối tượng gồm 30 người là cán bộ lãnh đạo dự án, nhân
viên y tế, cộng tác viên, người nhiễm HIV và thân nhân. Dự án đã xây dựng mạng lưới Cộng tác viên gồm 15 tư vấn viên cộng đồng và 6 nhân viên hỗ trợ điều trị thuộc cộng đồng MSM làm nhiệm vụ tiếp cận, tư vấn, giới thiệu người phơi nhiễm HIV cao trong cộng đồng tiếp cận dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tại cơ sở cung cấp dịch vụ HIV/AIDS đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng tốt công tác tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và áp dụng phương pháp tiếp cận bạn tình/bạn chích người nhiễm HIV (PNS) trong tìm ca nhiễm HIV mới .
Trong 2 năm (6/2018-5/2020) đã xét nghiệm phát hiện 766 ca nhiễm HIV mới, trung bình 380 ca năm cao hơn 150 ca so với giai đoạn 2013-2017, tỷ lệ ca HIV dương tính chiếm 5% cao gấp 2 giai đoạn 2013-2015 chỉ dao động từ 2-3%. Số người bệnh (NB) phát hiện bằng PNS là 180 chiếm 23,5% và 371 NB thuộc cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giời (MSM) chiếm 48,1%. Số ca HIV dương tính mới chuyển tiếp điều trị ARV 692 chiếm tỷ lệ 90,3%, nâng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV ở Long An hơn 80%, trong đó tỷ lệ phát hiện bằng PNS ở cơ sở y tế 26,1%, ở cộng đồng 13,2%. Áp dụng PNS, thái độ phục vụ của nhân viên y tế và hình thức tiếp cận qua mạng xã hội đã góp phần tăng số lượng người nhiễm HIV mới kết nối điều trị ARV. Yếu tố kỳ thị, phân biệt đối xử, sự hiểu biết về điều trị HIV/AIDS chưa đầy đủ và tình trạng việc làm chưa ổn định là rào cản ảnh hưởng tiếp cận xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Bài học kinh nghiệm là tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ về hoạt động tìm ca nhiễm HIV và gói hiệu suất đảm bảo chất lượng điều trị ARV. Ngoài ra, chống phân biệt đối xử và kỳ thị HIV/AIDS và tăng thêm thời gian phục vụ ngoài giờ là những giải pháp thiết thực góp phần tăng số lượng người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV