Đánh giá thực trạng truyền máu cho bệnh nhân Thalassemia và một số yếu tố liên quan đến giảm nồng độ Hemoglobin sau truyền máu
Thalassemia là một trong số những bệnh máu di truyền thường gặp nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê của tổ chức y tế thế giới (World health organization – WHO) – 1998, ước tính có khoảng 4,83% dân số thế giới mang gen bệnh hemoglobin (Hb) di truyền, trong đó 300.000 – 400.000 trẻ mắc các bệnh Hb di truyền thể nặng ra đời hàng năm [46]. Tại Việt Nam, theo số liệu nghiên cứu trong thập niên 1980, có khoảng 1,17 – 1,56 triệu người mang gen gây bệnh beta thalassemia (b-thal) [8].
Bệnh gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới sự tăng trưởng, phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đồng thời cũng tạo ra
những gánh nặng về kinh tế và y tế cho gia đình bệnh nhân và cộng đồng.
Trước những năm 1970, khi các biện pháp điều trị truyền máu định kỳ chưa phổ biến, những bệnh nhân mắc thalassemia thể nặng thường chết trước tuổi dậy thì hoặc sống với những di chứng nặng nề của bệnh. Hiện nay, mặc dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn được bệnh, nhưng ở một số nước phát triển Âu – Mỹ, nơi các bệnh nhân thalassemia được điều trị theo liệu trình truyền máu định kỳ kết hợp với điều trị thải sắt thích hợp và các điều trị bổ trợ khác (theo khuyến cáo của Liên đoàn thalassemia quốc tế – Thalassemia International Federation (TIF) – 2007), các bệnh nhân này có thể tăng trưởng và phát triển bình thường, với tuổi thọ trung bình ngày càng tăng ,..[15],[17].
Tại Việt Nam, bệnh được biết đến qua báo cáo của tác giả Bạch Quốc Tuyên từ thập niên 1960, tính đến nay đã gần 50 năm nhưng việc quản lý và theo dõi điều trị cho các bệnh nhân thalasemia chưa thực sự được tiến hành theo một liệu trình thống nhất. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các thầy thuốc trong việc đánh giá hiệu quả điều trị cũng như giúp ích không nhiều trong việc cải thiện tiên lượng cho các bệnh nhân. Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu:
“ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TRUYỀN MÁU CHO BỆNH NHÂN THALASSEMIA VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN GIẢM NỒNG ĐỘ HEMOGLOBIN SAU TRUYỀN MÁU”.
Với mục tiêu:
1. Đánh giá thực trạng truyền máu cho các bệnh nhân thalassemia điều trị truyền máu tại khoa Huyết học lâm sàng bệnh viện Nhi trung ương (so với khuyến cáo của TIF – 2007).
2. Bước đầu tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến giảm nồng độ Hb sau truyền máu của bệnh nhân thalassemia.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích