Đánh giá tình trạng một số bệnh tật và chỉ số sinh hóa tuyến giáp ở các quần thể phơi nhiễm dioxin mạn tính
Trong chiến tranh Đông dương II, từ năm 1962-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch có tên gọi là chiến dịch Ranch Hand, rải hơn 19 triệu gallons chất diệt cỏ và phát quang xuống nhiều vùng rộng lớn của Việt Nam, Lào và Căm pu chia. Chất được sử dụng nhiều nhất trong số các chất diệt cỏ là chất Da cam (agent orange, hơn 11 triệu gallons)-hỗn hợp 50:50 của 2,4-D và 2,4,5-T, một lượng nhỏ chất Tím (2,4-D và 2,4,5-T), chất Hồng (2,4,5-T), chất Xanh lá cây (2,4,5-T), chất Trắng (2,4-D, picloram), và chất Xanh da trời (cacodylic acid).
2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD), một chất hoá học tạp nhiễm có trong chất diệt cỏ Da cam là loại chất hoá học độc nhất do con người tạo ra từ trước đến nay. Dioxin gây ra các biến đổi sinh học thông qua liên kết với ADN-vật chất chủ yếu của tính di truyền, từ đó gây ảnh hưởng trên nhiều hệ thống enzym và hormon, một trong các ảnh hưởng đó là thay đối chức năng tuyến giáp.
Tuyến giáp có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bài xuất các hormon đóng vai trò chất xúc tác cho các phản ứng của hầu hết hê thống enzym oxy hoá, tác dụng lên sự phát triển cơ thể, điều hoà chuyển hoá cơ bản trong cơ thể sống, tăng tổng hợp ARN và protein, huy động các chất đường, đạm, mỡ để oxy hoá, ngoài ra còn tác dụng trong chuyển hoá nước, các chất điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh, cơ tim, cơ vân, tác động lên cơ quan sinh dục [2].
Nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy TCDD giảm thyroxine T4 toàn phần (TT4 ) và thyroxine tự do (FT4 ), ngoài ra còn làm tăng triiodothyronine T3 toàn phần (TT3) – được biết như là kích tố tổng hợp axít béo [16], [34]. Nhưng ảnh hưởng của dioxin với chức năng giáp trạng ở người phơi nhiễm chưa được nghiên cứu nhiều trong cũng như ngoài nước.
Từ năm 2003 đến 2006, Ban 10-80 đã hợp tác với Trung tâm giao lưu Y tế Nhật Bản-Viêt Nam-MECJV (Medical Exchange Centre between Japan and Viet Nam) tiến hành đề tài nghiên cứu “Đánh giá tình trạng một số bệnh tật và chỉ số sinh hóa tuyến giáp ở các quần thể phơi nhiễm dioxin mạn tính” tại cộng đồng dân cư một số xã bị rải miền Nam và một số xã không bị rải miền Bắc.
Mục tiêu nghiên cứu:
– Mô tả một số tình trạng bệnh lý các quần thể phơi nhiễm kéo dài tại các vùng bị rải miền Nam.
– Đánh giá sự thay đổi một số chỉ số sinh hoá tuyến giáp ở các quần thể nghiên cứu.
1. TỔNG QUAN
Cuộc chiến tranh hoá học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam từ 1961-1971 là một cuộc chiến tranh chống môi sinh lớn nhất không những về thời gian và cường độ, mà còn bởi nó đã sử dụng một loại hoá chất chống con người độc hại nhất trong lịch sử-chất Da cam/Dioxin. Dioxin là một tạp chất vô cùng độc hại, có độ độc gấp hàng trăm, nghìn lần hoá chất môi trường độc hại nhất. TCDD là một trong số 75 đồng phân khác nhau của Dioxin. TCDD khi vào trong cơ thể được hoạt hoá gián tiếp nhờ kết hợp với arylhydrocarbon (Ah) receptor của tế bào, một số đồng phân khác của Dioxin như polychlorinated hoặc polybrominated furan, đồng phân biphenyl, một vài polyaromatic hydrocarbon cũng kết hợp với receptor này nhưng với ái lực yếu hơn và cũng gây ra các hậu quả tương tự như TCDD. Tác động ảnh hưởng tới sức khoẻ con người khi phơi nhiễm chất Da cam là sự hoạt động của TCDD và các đồng phân khi kết hợp với Ah receptor của tế bào trong cơ thể.
Trong cơ thể dioxin tích luỹ chủ yếu trong gan dưới dạng liên kết với Chylomicron. Mặc dù sự chuyển hoá (trao đổi chất) của TCDD vẫn còn nhiều điều khó hiểu, song các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chất chuyển hoá chính của TCDD là glucuronide liên kết. Tác động của dioxin được coi là cơ chế tác động thông qua Thụ thể Ah (Ah receptor-AhR) bằng cách giải phóng protein cảm ứng nhiệt hsp90, nhị hợp với protein Arnt từ Cytochrome P4501A1 (CYP1A1) để ảnh hưởng đến các hoạt đông gen, tác động đến các chức năng sinh sản, miễn dịch, tạo u, hoá sinh [18].
Các nghiên cứu trên động vật thực nghiệm và một số tế bào cơ thể người cho thấy TCDD gây thương tổn trên nhiều cơ quan với các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào liều lượng, thời gian, đường nhiễm, và tình trạng cá thể cụ thể. Dioxin, cũng như các hoá chất độc khác, không tác động lên một cơ quan nào riêng biệt, mà lên toàn cơ thể, gây thương tổn trên nhiều cơ quan với các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào liều lượng, thời gian, đường nhiễm, và trạng thái cá thể cụ thể. Tác dụng của nó cũng có thể đồng tương tác, cộng hưởng, hoặc bị cộng hưởng bởi hoá chất hay yếu tố độc tính khác nào đó, nếu cùng lúc song hành.
Trong các ảnh hưởng hormon, dioxin tác động đến hormon steroid, làm thay đổi chức năng chế tiết hormon tuyến yên do gây xáo trộn trong trục gan-yên-giáp [36].
Tuyến giáp bài xuất và giải phóng vào máu các hormon T3- triiodothyronine và T4- tetrathyroxine, chủ yếu ở dạng gắn với protein huyết tương (99,95% T4 và 99,5% T3), chỉ có một lượng rất nhỏ hormon nằm dưới dạng tự do (0,05% FT4 và 0,5% FT3) gắn với globulin TBG và prealbumin TBPA.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích