ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA NGHIỆM PHÁP LASIX TRONG PHẪU THUẬT NỘI SOI SAU PHÚC MẠC ĐIỀU TRỊ HẸP KHÚC NỐI BỂ THẬN-NIỆU QUẢN
ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA NGHIỆM PHÁP LASIX TRONG PHẪU THUẬT NỘI SOI SAU PHÚC MẠC ĐIỀU TRỊ HẸP KHÚC NỐI BỂ THẬN-NIỆU QUẢN
Nguyễn Đức Minh1; Nguyễn Huy Hoàng1
Hoàng Long1; Vũ Nguyễn Khải Ca1
TÓM TẮT
Mục tiêu: đánh giá vai trò của test Lasix trong phẫu thuật nội soi sau phúc mạc điều trị hẹp khúc nối bể thận-niệu quản tại Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đối tượng và phương pháp: mô tả tiến cứu trên 60 bệnh nhân được mổ nội soi sau phúc mạc điều trị hẹp khúc nối bể thận-niệu quản từ tháng 8 – 2012 đến 8 – 2017, trong đó, 20 bệnh nhân cần sử dụng test Lasix trong mổ. Kết quả: bệnh nhân nam chiếm 65% và nữ chiếm 35%. Độ tuổi trung bình 32,4 ± 15,7 (16 – 57 tuổi). Can thiệp bên phải 9 bệnh nhân và bên trái 11 bệnh nhân.
Thời gian mổ trung bình 105,42 ± 21,67 phút (55 – 130 phút). Tiêm tĩnh mạch lasix 1 ống 20 mg, thời gian chờ đợi tác dụng của lasix trung bình 15 phút (8 – 30 phút). Lượng máu mất trong mổ trung bình 33,15 ml (10 – 90 ml). Thời gian nằm viện trung bình 3,8 ± 1,3 ngày (3 – 6 ngày). 14 trường hợp phát hiện hẹp khúc nối do nguyên nhân nội tại bên trong tại vị trí nối bể thận-niệu quản cần phải cắt nối và tạo hình JJ, 6 trường hợp do mạch máu nhỏ bất thường chèn ép sau khi cắt mạch bất thường không phải cắt nối niệu quản tạo hình. Giải phẫu bệnh đoạn hẹp sau mổ ở 14 bệnh nhân cắt nối: 100% có viêm xơ hẹp đoạn khúc nối. Kết luận: test Lasix cần thiết trong một số trường hợp nhất định, giúp phẫu thuật viên xác định nguyên nhân gây hẹp, đánh giá chính xác vị trí hẹp, từ đó có thái độ xử trí phù hợp.