Dịch chân tay miệng tại miền Bắc Việt Nam, 2011
Dịch chân tay miệng tại miền Bắc Việt Nam, 2011
Tác giả: Trần Như Dương, Ngô Huy Tú, Vũ Đình Thiểm
Tóm tắt:
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một nhóm các vi rút đường ruột gây ra. Trong năm 2011, tại Việt Nam đã xảy ra dịch tay chân miệng với quy mô lớn. Nghiên cứu này nhằm mô tả một số đặc điểm dịch tễ của dịch tay chân miệng tại khu vực miền Bắc. Toàn bộ ca bệnh tay chân miệng theo đúng định nghĩa ca bệnh của Bộ Y tế ghi nhận trong hệ thống giám sát thường xuyên năm 2011 của khu vực miền Bắc đều được đưa vào nghiên cứu. Kết quả cho thấy đã ghi nhận 20.529 trường hợp mắc bệnh với 3 trường hợp tử vong. Ca bệnh xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hòa Bình và Ninh Bình là những tỉnh, thành phố có số mắc cao nhất với trên 1.000 trường hợp/tỉnh. Các trường hợp mắc bệnh xuất hiện ở nhiều nhóm tuổi nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi dưới 5, trong đó nhóm tuổi 1 – 4 có tỷ lệ mắc cao nhất (chiếm 82,5%). Bệnh phân bố ở cả 2 giới (nam 59 %; nữ 41 %). Các ca bệnh chủ yếu là ở thể nhẹ (phân độ lâm sàng 1 và 2a), trong đó phân độ 1 chiếm đa số (89,5%); phân độ 2a chiếm (9,8%); các phân độ lâm sàng nặng (2b, 3, 4) chiếm tỷ lệ rất thấp dưới 1%. Tác nhân gây bệnh được phát hiện gồm EV71 chiếm 41%; tác nhân CA16 và CA6 chiếm tỉ lệ lần lượt là 5% và 4%; các vi rút đường ruột chưa phân loại chiếm 50%. Bệnh tay chân miệng là bệnh mới được đưa vào hệ thống giám sát quốc gia từ năm 2011, do vậy việc tăng cường giám sát ca bệnh/vụ dịch, phân tích các đặc điểm dịch tễ học của bệnh là rất cần thiết để góp phần cho công tác phòng chống bệnh dịch trong thời gian tới