Diễn biến quá kích buồng trứng trên các bệnh nhân trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận
Diễn biến quá kích buồng trứng trên các bệnh nhân trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận
Phạm Thị Thùy Dương, Hồ Sỹ Hùng
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Phác đồ kích thích buồng trứng (KTBT) antagonist và gây trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận là phương pháp hiệu quả giúp giảm đáng kể nguy cơ quá kích buồng trứng (QKBT) trong quy trình thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, phác đồ này không triệt tiêu hoàn toàn hội chứng quá kích buồng trứng (HCQKBT). Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả diễn biến QKBT ở các người bệnh được chỉ định gây trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia. 92 người bệnh KTBT bằng phác đồ antagonist và gây trưởng thành nang noãn bằng GnRH đồng vận từ tháng 8/2020 đến tháng 4/2021 được theo dõi các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của HCQKBT vào các mốc ngày 2 và ngày 7 sau chọc hút noãn. Các triệu chứng của QKBT giảm dần từ ngày 2 đến ngày 7 sau chọc hút noãn (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê). Tỷ lệ bệnh nhân QKBT mức độ vừa vào ngày 2 và ngày 7 sau chọc hút noãn là 19,6% và 1,1%, không có người bệnh QKBT mức độ nặng. Trong khi phác đồ này cho kết quả tốt về tỷ lệ noãn thu được cũng như tỷ lệ noãn trưởng thành.
KTBT là một bước quan trọng mang tính quyết định đến sự thành công của thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Tuy nhiên, quá kích buồng trứng – một biến chứng nghiêm trọng của KTBT vẫn còn tồn tại với một tỷ lệ khá cao. Có tới 24,5% chu kỳ TTTON đã được báo cáo là có liên quan đến HCQKBT vừa và nặng, trong đó những trường hợp nặng cần nhập viện chiếm 3,6% và có thể dẫn tới tử vong.1 Việc kết hợp gây trưởng thành nang noãn bằng GnRH đồng vận với đông phôi toàn bộ được cho là một giải pháp toàn diện giảm thiểu HCQKBT trong TTTON.2 Tuy nhiên, trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận không triệt tiêu hoàn toàn hội chứng này. Đã có những nghiên cứu trên thế giới và trong nước ghi nhận những trường hợp QKBT sau khi gây trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận.3 Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về diễn biến của các triệu chứng HCQKBT sau khi gây trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả diễn biến của quá kích buồng trứng các trường hợp được chỉ định gây trưởng thành noãn bằng GnRH đồng vận.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com