Etonogestrel
Etonogestrel
Tìm hiểu chung
Tác dụng của thuốc etonogestrel là gì?
Thuốc etonogestrel này được sử dụng để ngừa thai. Thuốc etonogestrel là một que nhựa dẻo mỏng có kích thước bằng một que diêm được cấy vào dưới da bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Que cấy này từ từ phóng thích thuốc etonogestrel vào cơ thể trong khoảng thời gian 3 năm. Que này phải được rút sau 3 năm và có thể được thay thế nếu bạn vẫn tiếp tục muốn ngừa thai. Các que này có thể được loại bỏ bất cứ lúc nào khi bạn không muốn tránh thai nữa hoặc khi xuất hiện các tác dụng phụ.
Thuốc etonogestrel không chứa estrogen. Thuốc etonogestrel (một dạng progestin) là một hormone ngừa thai bằng cách ngăn chặn việc phóng thích trứng (rụng trứng) hoặc bằng cách thay đổi tử cung và chất nhầy cổ tử cung để làm trứng gặp tinh trùng khó khăn hơn (thụ tinh) hoặc cho trứng đã được thụ tinh dính vào thành tử cung (cấy).
Thuốc etonogestrel có thể không hiệu quả đối với những phụ nữ thừa cân hoặc đối với những người dùng một số loại thuốc nhất định khác. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp ngừa thai.
Sử dụng thuốc này không bảo vệ bạn hoặc bạn tình của bạn chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục (ví dụ như HIV, bệnh lậu).
Bạn nên dùng thuốc etonogestrel như thế nào?
Bạn nên đọc thông tin hướng dẫn sử dụng ở tờ rơi được cung cấp bởi dược sĩ trước khi đặt que cấy. Bạn cũng sẽ nhận được một phiếu sử dụng ghi ngày tháng và vị trí trên cơ thể bạn, nơi các que cấy được đưa vào. Giữ phiếu để nhớ thời điểm cần rút que cấy. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Hãy hỏi bác sĩ về thời gian tốt nhất để lên lịch hẹn cấy que cấy. Bác sĩ có thể kiểm tra khả năng mang thai của bạn trước tiên. Thuốc thường hoạt hóa ngay lập tức khi thanh được cấy vào từ ngày 1 đến ngày 5 kể từ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt thông thường của bạn. Nếu thời điểm gặp bác sĩ không trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn, bạn có thể cần phải sử dụng một hình thức tránh thai không dùng nội tiết tố (bao cao su, màng ngăn, thuốc diệt tinh trùng) trong 7 ngày đầu tiên sau khi que cấy được đặt. Hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng các dạng tránh thai dự phòng khác.
Que sẽ được cấy vào da ở cánh tay trên của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn có thể cảm nhận được que cấy dưới da của bạn sau khi đặt.
Bạn sẽ có 2 băng bao phủ khu vực que cấy được đặt. Giữ băng trên trong vòng 24 giờ và giữ băng nhỏ trong 3-5 ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Giữ cho băng sạch và khô.
Bạn nên bảo quản thuốc etonogestrel như thế nào?
Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc
Liều dùng thuốc etonogestrel cho người lớn như thế nào?
Liều dùng thông thường cho người lớn tránh thai:
Dùng miếng cấy 68 mg dưới da. Que cấy không được để trong cơ thể quá 3 năm. Thời điểm cấy phải được thực hiện dựa trên các điều kiện như sau:
- Nếu không sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố trong tháng vừa qua, que cấy phải được đặt vào giữa ngày 1đến ngày 5 (tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt là Ngày 1), ngay cả khi bạn vẫn còn kinh nguyệt.
- Nếu đổi từ biện pháp tránh thai nội tiết tố kết hợp, que cấy có thể được đặt vào bất cứ lúc nào trong thời gian bảy ngày kể từ ngày cuối cùng hoạt động (estrogen cộng với progestin) của thuốc tránh thai đường uống, bất cứ lúc nào trong thời gian bảy ngày không đặt vòng NuvaRing (etonogestrel/ethinylestradiol vòng âm đạo) hoặc bất cứ lúc nào trong thời gian 7 ngày dùng miếng dán tránh thai thẩm thấu qua da.
- Nếu đổi từ phương pháp tránh thai chỉ có progestin, que cấy phải được đặt vào như sau: nếu chuyển đổi từ thuốc chỉ có progestin, cấy etonogestrel ở bất cứ ngày nào trong tháng (không bỏ cách ngày giữa thời điểm uống viên cuối cùng và thời điểm cấy).
- Nếu chuyển đổi từ que cấy chỉ có progestin, cấy etonogestrel vào cùng ngày loại bỏ progestin;
- Nếu chuyển đổi từ vòng tránh thai chứa progestin, cấy etonogestrel vào cùng ngày loại bỏ.
- Nếu chuyển đổi từ một thuốc tiêm tránh thai, cấy que vào ngày tiếp theo của liều tiêm cuối cùng.
Sau khi sẩy thai khi thai trong khoảng 3 tháng đầu: que cấy etonogestrel có thể được thực hiện ngay sau khi phá thai hoàn toàn ba tháng đầu thai kỳ. Nếu etonogestrel không được đưa vào trong vòng năm ngày sau khi phá thai ba tháng đầu tiên, làm theo hướng dẫn sử dụng trong trường hợp không sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố trong tháng vừa qua.
Sau sinh hoặc sau khi mất thai 3 tháng giữa thai kỳ: que cấy có thể được đặt vào thời điểm giữa ngày 21 đến ngày 28 sau khi sinh nếu không cho con bú hoặc giữa ngày 21 đến ngày 28 sau mất thai ở 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu quá 4 tuần, nên loại bỏ khả năng mang thai bằng việc sử dụng một phương pháp ngừa thai không nội tiết tố trong thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi cấy. Nếu bạn đang cho con bú, cấy etonogestrel sau tuần thứ tư sau sinh.
Liều dùng thuốc etonogestrel cho trẻ em như thế nào?
Thuốc này có thể được sử dụng để kiểm soát việc mang thai của bé gái tuổi dậy thì nhưng không nên sử dụng ở độ tuổi chưa có chu kỳ kinh nguyệt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho trẻ dùng thuốc này.
Thuốc etonogestrel có những dạng và hàm lượng nào?
Thuốc etonogestrel có dạng và hàm lượng là que cấy dưới da 68 mg.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc etonogestrel?
Gọi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng:
- Nóng, đỏ, sưng hoặc nơi cấy ghép rỉ dịch;
- Tê đột ngột hoặc yếu ớt, đặc biệt là ở một bên cơ thể;
- Đau dữ dội hoặc đau quặn ở vùng xương chậu (có thể chỉ ở một bên);
- Đau đầu đột ngột dữ dội, lú lẫn, đau sau mắt, vấn đề với tầm nhìn, lời nói hoặc thăng bằng;
- Ho đột ngột, thở khò khè, thở nhanh, ho ra máu;
- Đau, sưng, nóng hoặc đỏ ở một hoặc cả hai chân;
- Đau ngực hoặc cảm giác nặng nề, đau lan ra cánh tay hoặc vai, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác bị bệnh nói chung;
- Một khối u vú;
- Sưng trong tay, mắt cá chân hoặc bàn chân;
- Vàng da (vàng da hoặc mắt);
- Triệu chứng của bệnh trầm cảm (khó ngủ, suy nhược, cảm giác mệt mỏi, thay đổi tâm trạng);
- Huyết áp cao gây nguy hiểm (nhức đầu, mờ mắt, ùtrong tai, lo lắng, hoang mang, đau ngực, khó thở, tim đập không đều, co giật).
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng bao gồm:
- Đau, tê hoặc ngứa ran nơi cấy ghép đã được đưa vào;
- Chảy máu nhẹ hoặc để lại sẹo nơi cấy;
- Chuột rút khi đang hành kinh, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt;
- Nhức đầu, chóng mặt, thay đổi tâm trạng nhẹ;
- Ngứa hoặc tiết dịch âm đạo;
- Đau ngực;
- Mụn trứng cá;
- Gặp vấn đề với kính áp tròng;
- Buồn nôn, đau bụng nhẹ;
- Đau lưng;
- Cảm thấy lo lắng hay chán nản; đau họng, triệu chứng bệnh cúm hoặc tăng cân.
Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể xuất hiện tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng trước khi dùng
Trước khi dùng thuốc etonogestrel bạn nên biết những gì?
Không cấy etonogestrel nếu bạn đang mang thai. Nếu bạn vừa sinh con, bạn nên chờ ít nhất 3 tuần (4 tuần nếu cho con bú) trước khi cấy etonogestrel.
Bạn không nên sử dụng que cấy này nếu bạn bị dị ứng với etonogestrel hoặc nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: chảy máu âm đạo bất thường, bệnh gan hoặc ung thư gan hoặc nếu bạn đã từng có ung thư vú hay ung thư tử cung, một cơn đau tim, đột quỵ hoặc một cục máu đông.
Trước khi được cấy etonogestrel, báo với bác sĩ nếu bạn có bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh túi mật, bệnh thận, u nang buồng trứng, đau đầu, tiền sử trầm cảm, nếu bạn đang thừa cân hoặc nếu bạn bị dị ứng với thuốc tê.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Thuốc etonogestrel có thể tương tác với thuốc nào ?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
- Bosentan;
- Griseofulvin;
- Rifampin;
- John’s wort (cây ban);
- Topiramate;
- Thuốc điều trị HIV/AIDS;
- Thuốc an thần như butabarbital, secobarbital, phenobarbital (solfoton);
- Thuốc động kinh như carbamazepine, felbamate, oxcarbazepine, phenytoin.
Thực ăn và rượu bia có tương tác với etonogestrel không?
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc etonogestrel?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Chảy máu âm đạo bất thường hoặc không có kinh nguyệt bất thường;
- Ung thư vú, hiện tại hay trong quá khứ hoặc nếu nghi ngờ mắc bệnh;
- Ung thư (nhạy cảm progestin), hiện tại hay trong quá khứ;
- Bệnh gan;
- Các khối u gan, lành tính hoặc ác tính – Không được sử dụng nếu bạn mắc tình trạng này;
- Huyết khối hiện tại hay trong quá khứ – Không nên sử dụng nếu bạn có cục máu đông trong não, chân, phổi, mắt hoặc tim;
- Trầm cảm hoặc tiền sử trầm cảm;
- Bệnh tiểu đường;
- Giữ nước (cơ thể sưng);
- Bệnh túi mật;
- Bệnh tim;
- Tăng huyết áp (cao huyết áp);
- Tăng mỡ máu (cholesterol cao hoặc các chất béo trong máu) – Sử dụng một cách thận trọng vì thuốc này có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn;
- Béo phì – Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Tình trạng khẩn cấp/quá liều
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặcdùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Những triệu chứng của quá liều có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, chảy máu âm đạo.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Bạn sẽ không dùng thuốc này thường xuyên. Báo với bác sĩ nếu bạn đã dùng que cấy được 3 năm.
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Etonogestrel . http://www.mims.com/malaysia/drug/info/etonogestrel?mtype=generic. Ngày truy cập 01/11/2015
Etonogestrel Subdermal. http://www.webmd.com/drugs/2/drug-144792/etonogestrel-subdermal/details. Ngày truy cập 01/11/2015
Chuyên mục: Thông tin thuốc
Nguồn: hellobacsi.com