Eyexacin: thuốc điều trị viêm kết mạc
Eyexacin điều trị viêm kết mạc gây ra bởi những chủng vi khuẩn nhạy cảm: Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus pneumoniae.
Thành phần
Mỗi 5mL: Levofloxacin hemihydrat tương đương levofloxacin 25mg.
Dược lực học
Nhóm dược lý
Kháng sinh nhóm quinolon (phân nhóm fluoroquinolon).
Mã ATC: S01AE05.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Levofloxacin là một kháng sinh tổng hợp nhóm fluoroquinolon có tác dụng diệt khuẩn. Thuốc có tác dụng ức chế enzym topoisomerase II (ADN-gyrase) và/hoặc topoisomerase IV, là những enzym cần thiết trong quá trình sao chép, phiên mã và tu sửa ADN của vi khuẩn. Levofloxacin là kháng sinh phổ rộng, có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương.
Các vi khuẩn nhạy cảm
Vi khuẩn ưa khí Gram âm: Enterobacter cloacae, E.coli, H. influenzae, H. parainfluenzae, Klebsiella pneumoniae, Legionella pneumophila, Moraxella catarrhalis, Proteus mirabilis, Pseudomonas aeruginosa.
Vi khuẩn khác: Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae.
Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Bacillus anthracis, Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus aureus nhạy cảm methicilin (meti-S), Staphylococcus coagulase âm tính nhạy cảm methicilin, Streptococcus pneumoniae.
Vi khuẩn kỵ khí: Fusobacterium, Peptostreptococcus, Propionibacterium.
Các loại vi khuẩn nhạy cảm trung gian in vitro
Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus faecalis.
Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroid fragilis, Prevotella.
Các loại vi khuẩn kháng levofloxacin
Vi khuẩn ưa khí Gram dương: Enterococcus faecium, Staphylococcus aureus meti-R, Staphylococcus coagulase âm tính meti-R.
Kháng chéo: In vitro, có sự đề kháng chéo giữa levofloxacin và các fluoroquinolon khác.
Dược động học
Nồng độ levofloxacin trong huyết tương đo được ở 15 tình nguyện viên người lớn khỏe mạnh tại các thời điểm khác nhau trong suốt 15 ngày điều trị với thuốc nhỏ mắt levofloxacin 0,5%: nồng độ trung bình của levofloxacin trong huyết tương sau khi dùng 1 giờ dao động từ 0,86 ng/mL vào ngày thứ nhất tới 2,05 ng/mL vào ngày thứ 15. Nồng độ trung bình levofoxacin cao nhất là 2,25 ng/mL đo được vào ngày thứ 4, sau 2 ngày: sử dụng thuốc mỗi 2 giờ và tổng cộng 8 liều một ngày. Nồng độ cao nhất của levofloxacin tăng từ 0,94 ng/mL vào ngày thứ nhất tới 2,15 ng/mL vào ngày thứ 15, thấp hơn hơn 1000 lần so với báo cáo sau khi sử dụng đường uống với liều tiêu chuẩn.
Nồng độ levofloxacin trong nước mắt đo được trên 30 người lớn khỏe mạnh, tại các thời điểm khác nhau sau khi nhỏ một giọt thuốc nhỏ mắt levofloxacin 0,5%: nồng độ trung bình levofloxacin trong nước mắt dao động khoảng từ 34,9-221,1 mcg/mL trong suốt 60 phút sau 1 liều duy nhất. Nồng độ trong mắt trung bình đo được khoảng 17,0 mcg/mL sau 4 giờ sử dụng và 6,6 mcg/mL sau 6 giờ sử dụng. Tác dụng lâm sàng của thuốc theo những nồng độ trên vẫn chưa được nghiên cứu.
Chỉ định và công dụng
Điều trị viêm kết mạc gây ra bởi những chủng vi khuẩn nhạy cảm: Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus pneumoniae.
Liều lượng và cách dùng
Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi:
Ngày 1 và ngày 2: nhỏ 1-2 giọt vào mắt bị nhiễm khuẩn, mỗi 2 giờ khi thức, có thể lên đến 8 lần/ngày.
Ngày 3 đến ngày 7: nhỏ 1-2 giọt vào mắt bị nhiễm khuẩn, mỗi 4 giờ khi thức, có thể lên đến 4 lần/ngày.
Lưu ý:
Không dùng thuốc sau khi mở nắp quá 15 ngày hoặc quá hạn sử dụng. Để tránh nhiễm khuẩn hay làm hư thuốc, tránh sờ trên nắp và miệng chai, hoặc để mi mắt chạm vào miệng chai.
Đậy kỹ nắp sau mỗi lần sử dụng, không dùng chung lọ thuốc với người khác.
Quá liều
Không được sử dụng quá liều chỉ dẫn của thầy thuốc.
Khi quá liều tại chỗ nhỏ mắt có thể dùng nước ấm để rửa mắt.
Chống chỉ định
Người có tiền sử quá mẫn với levofloxacin, với các quinolon khác hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Động kinh, thiếu hụt G6PD, tiền sử bệnh gân cơ do fluoroquinolon gây ra.
Sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai: Không dùng levofloxacin cho phụ nữ có thai.
Thời kỳ cho con bú: Không nên cho con bú khi dùng levofloxacin vì có nguy cơ tổn thương sụn khớp trên trẻ nhỏ.
Tương tác
Nghiên cứu cụ thể về tương tác thuốc chưa được làm riêng với levofloxacin dạng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, hấp thu toàn thân có thể xảy ra sau khi dùng levofloxacin dạng nhỏ mắt, cũng như với những quinolon kháng khuẩn khác khả năng tương tác thuốc với theophyllin, caffein, thuốc chống đông đường uống, cyclosporine nên được xem xét.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp: Giảm tạm thời tầm nhìn, sốt, nhức đầu, khô mắt, đau hay khó chịu mắt, viêm họng, sợ ánh sáng.
Ít gặp: Phản ứng dị ứng, phù mi mắt, khô mắt, ngứa mắt.
Thận trọng
Các phản ứng quá mẫn cảm với nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, thậm chí sốc phản vệ khi sử dụng các quinolon, gồm cả levofloxacin. Cần ngừng thuốc ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của phản ứng mẫn cảm và áp dụng các biện pháp xử trí thích hợp.
Sử dụng kéo dài có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của những chủng không nhạy cảm, bao gồm cả nấm. Nếu bội nhiễm xảy ra, ngưng sử dụng và có phương pháp trị liệu thích hợp.
Nên khuyên bệnh nhân không đeo kính áp tròng nếu có những dấu hiệu và triệu chứng của viêm kết mạc do vi khuẩn.
Tác động của thuốc khi lái xe và vận hành máy: Không nên lái xe và vận hành máy cũng như các hoạt động cần sự tỉnh táo cho tới khi biết được levofloxacin có ảnh hưởng như thế nào.
Bảo quản
Nơi khô, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng.
Trình bày và đóng gói
Thuốc nhỏ mắt: hộp 1 lọ 5mL.