Ghi nhận tỷ lệ tử vong do ung thư tại Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, giai đoạn 2005 – 2009
Luận văn Ghi nhận tỷ lệ tử vong do ung thư tại Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, giai đoạn 2005 – 2009.Theo nhận định của Bộ Y tế, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình kép, trong đó song song với các bệnh lây nhiễm của các nước đang phát triển như tả, đậu mùa, sốt rét từng bước được đẩy lùi thì các bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư (UT), tim mạch, đái tháo đường, rối loạn sức khỏe tâm thần đang có xu hướng gia tăng giống với các nước phát triển [4], [11]. Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 11 triệu người mới mắc và 6 triệu người chết do UT, trong đó trên 60% là ở các nước đang phát triển [6], [7], [17].
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh tim mạch ở các nước phát triển và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lây nhiễm và bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển [1], [2], [13], [30], [34].
Tuổi thọ được tăng lên nhờ các tiến bộ của y học hiện đại, công nghiệp hóa để tạo đà cho xã hội phát triển nhưng kèm theo là ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, lối sống thiếu lành mạnh (hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, sinh hoạt tình dục không an toàn), bảo hộ lao động chưa được thỏa đáng, cùng hậu quả của chiến tranh với các chất độc màu da cam, bom nguyên tử… là các lý do giải thích vì sao tỷ lệ mác bệnh UT ngày càng tăng lên [11], [17], [26], [29], [35], [40], [45], [59].
Ở các nước phát triển và trong khu vực đều đã có Chương trình quốc gia về phòng chống ung thư (PCUT) với 4 nội dung là phòng bệnh UT, sàng lọc phát hiện sớm bệnh UT, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị UT và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân UT [4], [7], [24], [60], [73], [75], [77], [80].
Để xây dựng một chương trình PCUT hiệu quả có thể nói ghi nhận ung thư (GNUT) đóng vai trò hết sức quan trọng [15], [57], [58], [59], [60], [64], [65]. Kết quả của GNUT giúp đánh giá được gánh nặng của bệnh UT lên cộng đồng và tình hình, đặc điểm, xu hướng mắc UT, qua đó xác định được các hướng ưu tiên cho chương trình PCUT ở mỗi quốc gia [16], [19], [30], [33], 795]. Đây cũng là phương tiện để giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình PCUT và các can thiệp khác vào cộng đồng [16]. Các số liệu nghiên cứu cơ bản này là cơ sở cho việc đặt giả thiết cho các nghiên cứu dịch tễ học phân tích về UT để tìm hiểu nguyên nhân bệnh và giải thích một cách khoa học lý do sự khác biệt nguy cơ giữa các cộng đồng. Hai chỉ số quan trọng trong đánh giá tình hình UT là tỷ lệ mới mắc và tỷ lệ tử vong [65] trong đó tỷ lệ mới mắc UT có được từ ghi nhận ung thư dựa vào quần thể. Tỷ lệ tử vong do UT ở các Quốc gia đều dựa vào các thống kê tử vong theo nguyên nhân bệnh tật. Loại thống kê này có ở hầu hết các nước phát triển và một số các nước đang phát triển [37], [60]. Tại một số quốc gia đang phát triển khác, các chứng nhận tử vong thường không có xác nhận của thầy thuốc về nguyên nhân tử vong [13]. Do đó, tại những nơi này không thể tính được tỷ lệ tử vong do UT hoặc những số liệu đưa ra thấp hơn nhiều so với thực tế [13], [17], [31], [38].
Tại Việt Nam, công tác PCUT cũng ngày càng được quan tâm, đặc biệt ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế và Cần Thơ. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động PCUT đều tập chung vào các nội dung chính là nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân UT [8], [9], [21]. Các nghiên cứu về dịch tễ học UT còn ít được quan tâm. Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài: “Ghi nhận tỷ lệ tử vong do ung thư tại Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, giai đoạn 2005 – 2009” với các mục tiêu:
Xác định tỷ lệ tử vong ung thư chung và ung thư một số vị trí trong cơ thể, giai đoạn 2GG5 – 2GG9 tại 2 tỉnh, thành phố
Mô tả khuynh hướng tử vong ung thư chung và một số vị trí có tỷ lệ tử vong cao trong giai đoạn 2GG5 – 2GG9