Hiệu quả cai thuốc lá của phương pháp tư vấn trực tiếp kết hợp tư vấn qua điện thoại ở bệnh nhân hô hấp nhập viện
Hiệu quả cai thuốc lá của phương pháp tư vấn trực tiếp kết hợp tư vấn qua điện thoại ở bệnh nhân hô hấp nhập viện
Phạm Thị Lệ Quyên, Ngô Quý Châu, Trần Xuân Bách
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ cai thuốc lá bằng phương pháp tư vấn trực tiếp khi nằm viện và đánh giá hiệu quả cai thuốc lá bằng phương pháp tư vấn trực tiếp khi nằm viện kết hợp với tư vấn qua điện thoại sau khi ra viện ở bệnh nhân mắc một số bệnh phổi. Nghiên cứu can thiệp trên 143 bệnh nhân hút thuốc mắc một số bệnh phổi, nhập viện tại Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai từ 10/2017 đến 10/2020, Các bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm: 73 bệnh nhân can thiệp cai thuốc lá thông thường và 70 bệnh nhân can thiệp tích cực. Kết quả tại thời điểm theo dõi 6 tháng, tỷ lệ cai thuốc (xác nhận bởi một người nhà sống cùng và đo nồng độ CO trong hơi thở ra) thời điểm 7 ngày, cai thuốc liên tục 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng tương ứng là 65,75%; 65,75%; 64,38%; 46,58% ở nhóm can thiệp thông thường và 81,43%; 81,43%; 81,43% và 64,29% ở nhóm can thiệp tích cực. Bệnh nhân nhóm can thiệp tích cực có khả năng cai thuốc ở thời điểm theo dõi 3 tháng và 6 tháng cao hơn nhóm can thiệp thông thường OR, 95%CI lần lượt là 3,72 (1,56 – 8,85) và 2,45 (1,08 – 5,56).
Hút thuốc lá gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe dẫn đến phải nhập viện, đặc biệt vì các bệnh lý hô hấp, tim mạch và ung thư. Việc phải nhập viện là hoàn cảnh để người hút thuốc dễ dàng tiếp nhận các thông điệp về cai thuốc lá từ nhân viên y tế. Hơn nữa, môi trường không khói thuốc trong Bệnh viện cũng có thể đem đến cơ hội tốt để những người hút thuốc cai thuốc. Vì vậy, việc cung cấp điều trị cai thuốc ở Bệnh viện có thể là một chiến lược dự phòng sức khỏe hiệu quả.Hầu hết người hút thuốc đã thực sự bỏ thuốc khi nhập viện, tuy nhiên, phần lớn họ lại hút thuốc lại ngay sau khi ra viện.1 – 3 Những bệnh nhân tiếp tục hút thuốc sau khi ra viện có nhiều khả năng tái nhập viện hơn so với những người tiếp tục duy trì cai thuốc.4,5 Việc giúp họ cai thuốc và duy trì cai thuốc sau khi ra viện sẽ giúp cứu sống họ và giảm các chi phí chăm sóc y tế.6 – 9Các nghiên cứu đã chỉ ra việc tư vấn ngắn trực tiếp cho đối tượng hút thuốc khi họ nhập viện điều trị có hiệu quả hạn chế trên tỷ lệ cai thuốc kéo dài.6 Một phân tích tổng quan các nghiên cứu ở những bệnh nhân hút thuốc nhập viện cho thấy các can thiệp cần kéo dài ít nhất 1 tháng sau khi ra viện mới có thể đạt được hiệu quả cai thuốc có ý nghĩa thống kê.6Điều này cho thấy cần có các can thiệp tích cực hơn để giảm tái hút thuốc sau khi ra viện. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã tiến hành các can thiệp cai thuốc trên nhóm bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch, nhóm bệnh nhân nhập viện phẫu thuật hoặc nhóm bệnh nhân nhập viện với mọi nguyên nhân bệnh liên quan đến hút thuốc lá.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com