Hiệu quả can thiệp thay đổi lối sống cho học sinh lớp 6 thành phố Hồ Chí Minh
Hiệu quả can thiệp thay đổi lối sống cho học sinh lớp 6 thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Phạm Thị Lan Anh, Tăng Kim Hồng
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Can thiệp dựa vào bạn đồng trang lứa là hướng đi mới nhiều hứa hẹn nhằm phòng ngừa béo phì cho trẻ vị thành niên. Nghiên cứu này nhằm so sánh sự thay đổi về chế độ ăn uống và thời gian hoạt động thể lực, tĩnh tại giữa 2 nhóm học sinh nhóm can thiệp và nhóm chứng sau 6 tháng can thiệp. Đối tượng là học sinh lớp 6 các trường cấp 2, thành phố Hồ Chí Minh (4 trường chứng – 4 trường can thiệp), 84 học sinh/trường. Thời gian nghiên cứu từ tháng 9/2018 đến tháng 4/2020. Phân tích Mixed Effect Model được dùng để so sánh sự thay đổi về chế độ ăn uống và thời gian hoạt động thể lực, tĩnh tại trước – sau can thiệp ở mỗi nhóm và so sánh sự thay đổi giữa 2 nhóm chứng và can thiệp, có hiệu chỉnh với giới tính, tuổi, chỉ số khối cơ thể (BMI) lúc ban đầu, và cụm trường. Chương trình can thiệp như sau: các trưởng nhóm học sinh lớp 8 tập huấn 4 bài về dinh dưỡng và vận động cho học sinh lớp 6 của toàn trường can thiệp. Hệ thống hỗ trợ được triển khai để đảm bảo sự tuân thủ của học sinh trong 6 tháng sau can thiệp. Nhóm trường chứng vẫn theo chương trình thường qui của Bộ Giáo Dục. Sau can thiệp, nhóm can thiệp tăng hoạt động thể lực 8 ± 3,5 phút/ngày (p < 0,05), giảm hoạt động tĩnh tại 35 ± 9,9 phút/ngày (p < 0,05); giảm lượng ngũ cốc tiêu thụ 62 ± 19,0 gam/ngày (p < 0,05), giảm uống nước ngọt 0,79 lần; tăng ăn trái cây 36 ± 15,0 gam/ngày (p < 0,05) so với nhóm chứng, đã hiệu chỉnh với giới tính, tuổi, BMI ban đầu. Như vậy, nghiên cứu đã chứng minh được hiệu quả của can thiệp dựa trên trường học thông qua nhóm bạn đồng trang lứa thay đổi lối sống tích cực cho học sinh lớp 6 thành phố Hồ Chí Minh .
Tình trạng thừa cân, béo phì trong độ tuổi vị thành niên trở thành một thách thức trong thời đại ngày nay.1 Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ngoài những ảnh hưởng về tâm lý và phát triển thể chất, trẻ bị thừa cân béo phì còn có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…. khi trẻ đã bước qua giai đoạn trưởng thành. 2 – 6Tại Việt Nam, những chương trình can thiệp dinh dưỡng đã và đang được triển khai trên diện rộng. Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đã triển khai giai đoạn 2001 – 2010 và đang tiếp tục ở giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Điều tra dinh dưỡng của Trung Tâm Dinh Dưỡng năm 2014, tỷ lệ thừa cân béo phì chung của HS THCS Tp HCM cao đáng báo động đã được ghi nhận là 35,5%. Để đạt được hiệu quả, các can thiệp dự phòng béo phì thường phải phối hợp các hướng tác động khác nhau. Trong đó, can thiệp đồng đẳng do chính học sinh thực hiện đang là hướng đi mới nhiều hứa hẹn và đã có thành công nhất định ở một số nước trên thế giới.7,8 Can thiệp đồng đẳng do chính học sinh thực hiện có hai lợi điểm chính. Thứ nhất, mức độ truyền tải thông tin về chế độ dinh dưỡng và vận động nhanh hơn vì học sinh cùng trang lứa sử dụng ngôn ngữ trực quan và gần gũi với độ tuổi các em hơn. Thứ hai, tiếp cận thông tin qua kênh bạn bè đặc biệt rất hiệu quả đối với lứa tuổi vị thành niên.
Hiệu quả can thiệp thay đổi lối sống cho học sinh lớp 6 thành phố Hồ Chí Minh