Hiệu quả của bài tập Tiếng Việt cho bệnh nhân liệt dây thần kinh quặt ngược một bên sau cắt tuyến giáp toàn bộ
Hiệu quả của bài tập Tiếng Việt cho bệnh nhân liệt dây thần kinh quặt ngược một bên sau cắt tuyến giáp toàn bộ
Phạm Thị Bích Đào, Lê Minh Đạt, Trần Văn Tâm, Phạm Anh Dũng, Phạm Thị Bích Thuỷ, Mai Thị Mai Phương, Bùi Thị Mai
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Tỷ lệ phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ do ung thư tuyến giáp có xu hướng tăng dần, đi kèm với phẫu thuật này là những thay đổi về giọng sau phẫu thuật, đặc biệt là tổn thương dây thần kinh hồi quy sau phẫu thuật. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của bài tập tiếng Việt trên những bệnh nhân liệt thần kinh thanh quản quặt ngược sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Nghiên cứu được tiến hành trên 60 bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh hồi quy sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Bệnh viện K từ tháng 1/2015 đến tháng 1/2020. Đối tượng nghiên cứu được chia làm 2 nhóm: 30 người được can thiệp bằng bài tập và đánh giá chất lượng giọng của bài tập sau 03 tháng, 06 tháng và 12 tháng (nhóm 1) và 30 người khác theo dõi chất lượng giọng mà không có can thiệp gì thêm sau 03 tháng, 06 tháng và 12 tháng (nhóm 2). Chất lượng giọng được đánh giá bằng phần mềm phân tích âm PRAAT. Kết quả cho thấy ở nhóm 1: vận động của sụn phễu và dây thanh bên liệt cải thiện, không thấy hiện tượng teo cơ dây thanh, hai dây thanh khép kín hơn, các chỉ số: jitter, shimmer, noise-to-harmonic ratio (HNR) các nguyên âm (trầm, trung tính, cao), phụ âm, thanh điệu và tần số âm cơ bản (F0, F1, F2) đều cải thiện so với nhóm 2 (p < 0,005), khả năng kéo dài phát âm. Kết luận: Nhóm đối tượng liệt hồi quy sau cắt tuyến giáp toàn bộ nên được thực hiện bài tập phát âm.
Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp ngày càng phổ biến do tỷ lệ ung thư tuyến giáp ngày càng cao, tuy nhiên đi kèm phẫu thuật là số lượng bệnh nhân liệt dây thần kinh hồi quy trong quá trình phẫu thuật cũng lớn dần.1 Tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược gây ra các rối loạn phát âm ở các mức độ khác nhau.2 Giảm khả năng phát âm có thể ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt nếu nghề nghiệp của bệnh nhân cần sử dụng giọng như giáo viên, phát thanh viên, diễn giả, ca sĩ… Bệnh nhân có biểu hiện sau mổ là ho do kích thích thanh quản và/hoặc đau họng, nói khó, giọng nói giảm cả về tần số và biên độ âm nên nói rất khó nghe.3Việc phục hồi lại giọng nói cho những bệnh nhân liệt thần kinh thanh quản quặt ngược giúp tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh, giảm tỷ lệ sang chấn về tinh thần sau phẫu thuật.4 Các tác giả đều thống nhất việc tập nói cho người bệnh bị liệt thần kinh thanh quản quặt ngược tốt nhất nên thực hiện trước 8 tuần.5–7Chất lượng giọng của các bệnh nhân được luyện tập đều tốt hơn các bệnh nhân không tập. Các bài tập cho người bệnh nên được xây dựng theo các hệ thống ngôn ngữ khác nhau.