HIỆU QUẢ CỦA VÉC-NI SHELLAC F TRONG NGĂN CHẶN SÂU RĂNG Ở TRẺ 12 TUỔI SAU 12 THÁNG

HIỆU QUẢ CỦA VÉC-NI SHELLAC F TRONG NGĂN CHẶN SÂU RĂNG Ở TRẺ 12 TUỔI SAU 12 THÁNG

Thử nghiệm cộng đồng, ngẫu nhiên, mù đơn, có nhóm chứng được thực hiện trên 207 trẻ 12 tuổi, sống ở vùng không bổ sung fluor trong nước sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá hiệu quả của véc- ni Shellac F trong ngăn chặn sâu răng ở trẻ. Hai nhóm thử nghiệm được bôi véc-ni fluor (Shellac F, Duraphat®) ba tháng một lần, nhóm chứng không sử dụng véc-ni. Khám đánh giá sâu răng theo tiêu chí ICDAS II bởi 3 người khám đã được chuẩn hóa. Sau 12 tháng: hai nhóm sử dụng véc-ni có tỷ lệ giảm sâu răng cao hơn nhóm chứng, tỷ lệ sâu răng mới, số răng, mặt răng sâu mất trám trung bình, và mức độ gia tăng số mặt răng sâu mất trám trung bình thấp hơn nhóm chứng khi đánh giá ở mức S1, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05), không có khác biệt giữa hai nhóm sử dụng véc-ni (p > 0,05); tỷ lệ giảm sâũ răng đã thành lỗ ở nhóm sử dụng Shellac F là 29% và nhóm sử dụng Duraphat® là 11% so với nhóm chứng, không có khác biệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Véc-ni Shellac F có hiệu quả trong ngăn chặn sâu răng ở trẻ 12 tuổi và hiệu quả này tương đương véc-ni Duraphat® sau 12 tháng.

Các số liệu điều tra dịch tễ học cho thấy tình trạng sâu răng ở trẻ em tại Việt Nam còn ở mức cao. Theo điều tra quốc gia năm 2000, tỷ lệ ở trẻ 6 – 8 tuổi sâu răng sữa là 85%, chỉ số sâu mất trám răng sữa là 5,4, và sâu mất trám mặt răng sữa là 12,98, phần lớn sâu răng không được điều trị. Tỷ lệ trẻ sâu răng vĩnh viễn khá cao và gia tăng nhanh theo tuổi, ở lứa tuổi 9 – 11 là 54,6% và ở lứa tuổi 15 – 17 là 68,6%. Chỉ số sâu mất trám răng vĩnh viễn và sâu mất trám mặt răng vĩnh viễn ở lứa tuổi 9 – 11 tương ứng là 1,15 và 1,74, ở lứa tuổi 15 tương ứng là 2,4 và 4,16. Tỷ lệ không được điều trị cao tương tự ở bộ răng sữa [1]. Tại các tỉnh thành phía Nam, theo số liệu điều tra năm 2000, tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn ở lứa tuổi 12 là 66,37%, lứa tuổi 15 là 83,65%, chỉ số sâu mất trám tương ứng là 1,88 và 2,47 [2].

Tại thành phố Hồ Chí Minh, kết quả điều tra năm 1999 cho thấy chỉ số sâu mất trám răng ở trẻ 8 tuổi vùng nội thành là 0,68 (± 1,37) và ở vùng ngoại thành là 1,19 (± 1,33). Năm 2003, kết quả điều tra về tỷ lệ và mức độ trầm trọng của bệnh sâu răng, của Đào Thị Hồng Quân và cộng sự cho thấy: (1) Ở vùng fluor hóa nước, tỷ lệ sâu răng là 36,4%, sâu mất trám răng là 1,22 và SC là 2,39; (2) Ở vùng không fluor hóa nước, tỷ lệ sâu răng là 72,9%, sâu mất trám răng là 2,7 và SiC là 4,83 [3]. Việc tìm giải pháp hiệu quả và kinh tế, phù hợp với các đối tượng cộng đồng và cá thể khác nhau, đặc biệt là trẻ sống tại vùng không bổ sung fluor trong nước sinh hoạt và đối tượng trẻ có nguy cơ sâu răng cao là một câu hỏi đặt ra đối với các nhà nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học. Bên cạnh con đường toàn thân, vai trò của việc sử dụng fluor tại chỗ ngày càng được đánh giá cao, đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ sâu răng cao hoặc không có điều kiện tiếp xúc với nguồn nước có bổ sung fluor.



 

 

Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất

Leave a Comment