Hồi Sức Sơ Sinh Ngạt – Phác Đồ Bộ Y Tế

Hồi Sức Sơ Sinh Ngạt – Phác Đồ Bộ Y Tế

1. ĐỊNH NGHĨA

Ngạt là tình trạng trẻ đẻ ra không thở, không khóc gây thiếu oxy, thừa CO2 mô, nếu kéo dài sẽ bị di chứng hoặc tử vong.

Theo WHO khoảng gần 1 triệu trẻ chết mỗi năm liên quan đến ngạt. Khoảng 10% trẻ sơ sinh cần hỗ trợ để khởi phát nhịp thở ban đầu, 1% cần hồi sức tích cực để cứu sống, 90% có thể tự hoàn tất sang kiểu tuần hoàn sơ sinh và tự thở.

Các bước hồi sức “ABC” bao gồm: đảm bảo thông thoáng đường thở, đảm bảo hô hấp, đảm bảo tuần hoàn và đảm bảo trẻ ấm…

2. CHUẨN BỊ 4 NHÓM DỤNG CỤ

Mỗi cuộc sinh cần được chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ hồi sức.

Yêu cầu tất cả các dụng cụ đều phải sạch và sẵn sàng trong “Góc hồi sức”.

Bàn hồi sức sơ sinh kích thước 60×80 cm, bề mặt phẳng và cứng, đặt ngay tại phòng sinh, không bị gió lùa.

2.1. Nhóm dụng cụ làm khô ấm

– Đèn sưởi hoặc nguồn nhiệt khác bật sẵn

– 3 mảnh vải khô sạch: 1 kê dưới vai,1 đón và lau khô lần 1, 1 giữ ấm sau lau khô.

– Trải ga sạch, quần áo, mũ, chăn ấm cho trẻ.

2.2. Nhóm dụng cụ hồi sức hô hấp

– Dụng cụ hút: bầu hút, máy hút, sonde hút 8F, 10F,12F.

– Cung cấp oxy ấm – ẩm: bình oxy, oxy trung tâm, dây, sonde, mask.

– Bóng bóp thể tích 250-400ml, Mặt nạ: số 1, 0.

– Đèn soi thanh quản, ống NKQ các số 2,5; 3,0 và 3,5.

2.3. Dụng cụ vệ sinh làm rốn

Bông cồn, gạc vô trùng, găng tay, panh, kéo, kẹp hoặc chỉ thắt rốn.

2.4. Thuốc và dịch cấp cứu

Adrenalin, Natriclorua 9%0, Ringerlactat.

Bơm tiêm 1, 3, 5, 10, 20ml.

3. ĐÁNH GIÁ TRẺ NGẠT

3.1. Chỉ số APGAR

Dấu hiệu 2 1 0
Hô hấp Khóc to, thở bình thường Khóc yếu, rên Không thở
Tim ≥ 100 l/p < 100 l/p Không có
Màu da Hồng Tím Tái nhợt
Trương lực Tốt Yếu Nhẽo
Phản xạ Cử động tốt Nhăn mặt Không

Đánh giá:

8-10: bình thường, 6-7: ngạt nhẹ, 4-5: ngạt nặng, ≤ 3: ngạt rất nặng.

Thời điểm đánh giá: 1, 5, 10 phút.

Ba dấu hiệu để quyết định hồi sức (hô hấp, nhịp tim, màu da) cũng là 1 phần của thang điểm, hai phần (trương lực cơ, phản xạ) phản ánh tình trạng thần kinh.

3.2. Đánh giá trẻ cần hồi sức hay không

4. CÁC BƯỚC HỒI SỨC SƠ SINH

Theo nguyên tắc A, B, C, D.

4.1. Nguyên tắc A: khai thông đường thở

– Nước ối trong:

+ Trẻ khỏe lau khô, giữ ấm, chỉnh tư thế thông đường thở.

+ Trẻ không khỏe: hút sạch miệng, mũi; miệng không quá 5cm, mũi không quá 3cm

– Nước ối có phân su:

+ Trẻ khỏe: hút sạch phân su miệng, mũi,lau khô, giữ ấm, chỉnh tư thế thông đường thở..

+ Trẻ không khỏe : dùng sonde lớn 12F hút sạch miệng, họng, mũi trẻ. Dùng đèn soi thanh quản để nhìn rõ thanh môn và hút sạch sau đó đặt NKQ vừa hút vừa rút NKQ ra.

Sau khi làm thông đường thở, lau khô, đặt lại vị trí đầu, kích thích hô hấp, đánh giá trẻ 3 vấn đề: HÔ HẤP, NHỊP TIM, MÀU DA.

4.2. Nguyên tắc B: hỗ trợ hô hấp

– Cung cấp oxy: Oxy lưu lượng tự do 5l/phút

+ Chỉ định: khi trẻ thở được nhưng tím trung tâm.

+ Các phương pháp cung cấp oxy: mặt nạ oxy, dây oxy bằng cách khum tay giống như mặt nạ

Chú ý không dùng mặt nạ gắn bóng tự phồng sau đó gắn với dây oxy qua bóng vì như vậy không đảm bảo đủ oxy qua đó.

– Hô hấp nhân tạo (thông khí áp lực dương)

+ Chỉ định:

  • Thở oxy lưu lượng tự do sau 30 giây trẻ vẫn tím.
  • Ngừng thở hoặc thở nấc.
  • Nhịp tim < 100 l/p mặc dù trẻ đang tự thở

+ Kỹ thuật: Đảm bảo 4 tiêu chuẩn

  • Đặt mặt nạ kín mũi, miệng.
  • Bóp bóng tần số 40-60 l/p (đảm bảo tần số ta đếm nhẩm: Thở – Hai – Ba – Thở – Hai – Ba…).
  • Áp lực vừa phải dùng lực 2-3 ngón tay không cần bóp cả bàn tay.
  • Luôn duy trì đường thở thẳng- thông

+ Đánh giá đáp ứng khi thông khí

  • Sau mỗi lần bóp lồng ngực phồng lên là có hiệu quả.
  • Cải thiện nhịp tim, nhịp thở, màu sắc da của trẻ

+ Nếu lồng ngực không phồng lên khi thông khí lập tức kiểm tra:

  • Thông thoáng đường thở, đặt lại tư thế đầu của trẻ
  • Đặt lại mặt nạ cho khít với mặt trẻ
  • Bóng có thủng không.

– Đặt NKQ thông khí

+ Chỉ định:

  • Ối có phân su trẻ không khỏe đặt NKQ sau đó vừa hút vừa rút NKQ.
  • Bóp bóng trẻ không cải thiện, ngừng thở nhu cầu thông khí kéo dài.
  • Cần phối hợp ấn tim ngoài lồng ngực.
  • Đặt NKQ để dùng thuốc
  • Thoát vị cơ hoành.

+ Kích thước ống NKQ

Cân nặng                    Số NKQ

<1500gr                       2,5

1500 – 3000gr             3,0

3000gr                         3,5

+ Độ sâu ống NKQ = Cân nặng trẻ (P- kg) + 6 cm.

4.3. Nguyên tắc C: hỗ trợ tuần hoàn

– Chỉ định: Khi nhịp tim < 60 l/p mặc dù đã có 30 giây thông khí áp lực dương có hiệu quả (tức là sau 30 giây bóp bóng qua mặt nạ hoặc NKQ với oxy 100%)

– Kỹ thuật ấn ngực: đảm bảo 4 yêu cầu

+ Vị trí: 1/3 dưới xương ức, hay dưới đường liên núm vú 1 khoát ngó tay trẻ.

+ Tần số: 120 – 140 l/p phối hợp với bóp bóng theo tỷ lệ Bóp bóng/ấn ngực = 1/3 (Một và hai và ba và Bóp và Một và hai….).

+ Áp lực: lún khoảng 1/3đường kính trước – sau của lồng ngực trẻ.

+ Ấn thẳng góc với kỹ thuật ngón tay cái, tay không rời vị trí ấn tim trên lồng ngực.

4.4. Nguyên tắc D: thuốc cấp cứu (Epinephrin 1/1000)

+ Chỉ định: Nhịp tim <60 l/p mặc dù thông khí áp lực dương phối hợp ấn ngực đúng và hiệu quả.

+ Liều: pha loãng nồng độ 1/10.000

  • Bơm NKQ : 0,3ml – 1ml.
  • Đường TM : 0,1ml – 0,3ml

+ Nếu không kịp cân: 1,5ml/lần qua NKQ, 0,5ml/lần tiêm TM.

Trong và sau khi bơm Adrenalin vẫn tiếp tục phối hợp bóp bóng và ấn ngực.

Chăm sóc hiệu quả khác:

– Chú ý không làm các động tác:

+ Gập đùi vào bụng trẻ.

+ Dốc ngược đầu trẻ và vỗ vào mông, lắc đứa trẻ.

+ Ngoáy vào hậu môn trẻ.

Leave a Comment