Kali Chloride
Dung dịch kali chloride được chỉ định trong các trường hợp cần bổ sung kali. Thuốc này buộc phải sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ trước khi dùng. Với dạng thuốc tiêm truyền, nếu truyền sai cách, kali clorid có thể gây tử vong.
Cùng tìm hiểu về tác dụng của thuốc kali clorid, liều lượng, cách dùng và những lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc qua bài viết dưới đây.
Tác dụng
Tác dụng của thuốc kali chloride là gì?
Thuốc kali chloride thường được sử dụng để điều trị:
- Hạ kali máu và phòng hạ kali máu ở những người có nguy cơ đặc biệt
- Giảm kali huyết nặng ở người bệnh dùng thuốc lợi tiểu thải kali để điều trị tăng huyết áp vô căn chưa biến chứng
- Người bị xơ gan có chức năng thận bình thường
- Một số dạng ỉa chảy, kể cả do sử dụng thuốc nhuận tràng dài ngày
- Nôn kéo dài
- Hội chứng Bartter
- Bệnh thận gây mất kali
- Người điều trị corticosteroid kéo dài
- Tăng huyết áp do thiếu kali, kết hợp với magnesi để điều trị nhồi máu cơ tim cấp, làm giảm nguy cơ loạn nhịp thất.
Ngoài ra, kali chloride có thể được sử dụng cho một số mục đích khác. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Thuốc kali chloride có những dạng và hàm lượng nào?
Thuốc kali chloride được bào chế dưới dạng:
- Viên nang hay viên nén với hàm lượng 100mg, 500mg, 600mg, 1.500mg – dùng trong phòng ngừa hay điều trị hạ kali máu ở mức độ nhẹ hay trung bình.
- Thuốc tiêm 10% hay 20%, dùng tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị hạ kali huyết nặng.
Liều dùng thuốc kali chloride cho người lớn như thế nào?
Dạng viên uống:
Uống 1 viên/ lần x 1-4 lần/ ngày.
Dạng tiêm truyền:
- Điều trị giảm kali huyết: tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch ngoại vi (kali máu nhỏ hơn 2,5 mmol/lít), tốc độ truyền 10-20 mmol/giờ; tốc độ 20 mmol/giờ cho những trường hợp cấp cứu; có thể lặp lại cách 2-3 giờ nếu cần nhưng nồng độ kali trong dịch truyền không được vượt quá nồng độ tối đa 40 mmol/lít.
- Các trường hợp khác: liều duy trì dựa vào kali huyết. Giảm liều ở bệnh nhân có tổn thương thận. Đối với người có tổn thương thận hoặc bị block tim bất cứ thể nào, phải giảm tốc độ truyền xuống một nửa và không được vượt quá 5-10 mmol/giờ. Liều phụ thuộc vào nồn độ ion huyết và cân bằng kiềm toan. Mức độ thiếu kali được tính theo công thức: mmol kali = kg thể trọng x 0,2 x 2 x (4,5 – kali huyết hiện tại tính bằng mmol). Thể tích ngoại bào = kg thể trọng x 0,2.
Liều dùng thuốc kali chloride cho trẻ em như thế nào?
Dù là dạng thuốc viên hay tiêm truyền tĩnh mạch, bạn buộc phải có sự chỉ định và hướng dẫn sử dụng từ bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc kali chloride như thế nào?
Khi dùng thuốc kali chloride dạng uống, bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác. Đặc biệt, bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.
Bạn có thể uống thuốc kèm hoặc không kèm với thức ăn. Hãy uống thuốc với thật nhiều nước nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Khi dùng thuốc kali chloride dạng tiêm, bạn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để bác sĩ hoặc chuyên viên y tế tính toán liều lượng và theo dõi quá trình truyền dịch.
Pha loãng kali clorid với 1000 ml dung dịch natri clorid 0,9% để truyền tĩnh mạch, nồng độ kali tốt nhất là 40 mmol (3000 mg kali clorid) trong 1 lít, và không quá 80 mmol/ lít.
Thông thường, tốc độ truyền không bao giờ được phép vượt quá 1 mmol/ phút cho người lớn và 0,02 mmol/kg/phút đối với trẻ em. Nếu tốc độ truyền vượt quá 0,5 mmol/kg/giờ, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên về lâm sàng và điện tâm đồ.
Nếu có rối loạn chức năng thận, đặc biệt là suy thận cấp (triệu chứng là thiểu niệu và/hoặc tăng creatinin huyết) xảy ra khi truyền kali chloride, cần ngừng truyền ngay. Có thể truyền lại nếu cần, nên dùng thận trọng và theo dõi chặt chẽ.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Quá liều cấp tính xảy ra khi có sự thay đổi trên điện tâm đồ hoặc nồng độ kali huyết lớn hơn 6,5 mmol/lit. Triệu chứng là sự thay đổi trên điện tâm đồ điển hình.
Xử trí quá liều bằng cách dùng dextrose 10% pha thêm 10-20 IU insulin trong 1 lit và truyền với tốc độ 300-500 ml dịch trong 1 giờ.
Điều chỉnh nhiễm toan bằng natri bicarbonat 50 mmol tiêm tĩnh mạch trong 5 phút. Có thể nhắc lại liều này trong vòng 10-15 phút.
Dùng canxi gluconat 0,5-1 gam tiêm tĩnh mạch trong 2 phút để chống lại tác dụng độc trên tim.
Sử dụng nhựa trao đổi ion để rút kali thừa ra khỏi cơ thể bằng sự hấp phụ và/hoặc trao đổi kali.
Uống natri polystyren sulfon 20-50 gam nhựa trao đổi ion pha trong 100-200 ml dung dịch sorbitol 20%. Liều có thể cho 4 giờ một lần, 4-5 lần/ngày tới khi nồng độ kali trở về mức bình thường.
Có thể cần thiết lọc máu nhân tạo hoặc thẩm phân màng bụng để giảm nồng độ kali huyết thanh ở người suy giảm chức năng thận.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc uống, bạn hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Với dạng tiêm truyền tĩnh mạch được sử dụng bởi nhân viên y tế nên không xảy ra quên liều.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc kali chloride?
Khi bạn dùng thuốc kali chloride bạn có thể găp một số tác dụng phụ như:
Thường gặp: tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, khó chịu hoặc chướng bụng nhẹ, nôn.
Ít gặp:
- Tăng kali máu, nhịp tim không đều hoặc chậm
- Mất cảm giác hoặc như kim châm ở bàn tay, bàn chân hoặc môi, chi dưới yếu hoặc có cảm giác nặng
- Thở nông hoặc khó thở
Hiếm gặp: đau bụng hoặc đau dạ dày, chuột rút, phân có máu.
Đây không phải là tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/cảnh báo
Trước khi dùng thuốc kali chloride bạn nên lưu ý những gì?
Trước khi dùng thuốc kali chloride, bạn nên biết các trường hợp chống chỉ định gồm:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc kali chloride hoặc bất kỳ thuốc nào khác;
- Tăng kali huyết, nồng độ kali huyết trên 5 mmol/ lit
- Tăng clorid huyết.
Các trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc bao gồm:
- Suy thận hoặc suy thượng thận
- Bệnh tim
- Mất nước cấp
- Say nóng
- Bỏng nặng
- Đang dùng thuốc lợi tiểu ít thải kali
- Suy giảm chức năng thận
- Tiêu chảy, mất dịch
- Liệt chu kỳ có tính chất gia đình
- Loạn trương lực cơ bẩm sinh
- Đang dùng các thuốc gây tăng kali máu như amilorid, spironolacton, triamteren.
Không dùng kali clorid ngay sau khi phẫu thuật mà phải chờ cho bệnh nhân có nước tiểu trở lại.
Thuốc này có thể gây loạn nhịp tim, khó thở, rối loạn ý thức nên không lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao trong thời gian điều trị.
Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)
- Sử dụng thận trọng ở phụ nữ có thai vì nồng độ kali cao hay thấp đều có hại cho chức năng tim của mẹ và thai nhi. Cần theo dõi sát kali huyết thanh.
- Phụ nữ cho con bú dùng kali chloride là an toàn.
Tương tác thuốc
Thuốc kali chloride có thể tương tác với những thuốc nào?
Thuốc kali chloride có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Một số có thể tương tác với kali chloride bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu (spironolactone, triamterene hoặc amiloride…)
- Corticotropin
- Glucocorticoid
- Corticosteroid
- Amphotericin B
- ACTH
- Gentamicin
- Penicilin
- Polymyxin B
- Các thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc chống viêm không steroid
- Tác nhân chẹn beta giao cảm
- Máu từ ngân hàng máu
- Cyclosporin
- Heparin
- Sữa có ít muối, chất thay thế muối
- Muối canxi đường tiêm
- Thuốc lợi tiểu thiazid, lợi tiểu quai
- Insulin
- Natri bicarbonat
- Glucose
- Muscarin với kali chloride dạng viên
- Digitalis.
Thuốc kali chloride có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc kali chloride?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Bạn nên báo cho bác sĩ biết nếu mình có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là những vấn đề đã được đề cập trong mục Thận trọng/cảnh báo.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc kali chloride như thế nào?
Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Thuốc kali clorid dạng tiêm thường được bảo quản bởi nhân viên y tế.
Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Chuyên mục: Thông tin thuốc
Nguồn: hellobacsi.com