KẾT HỢP THANG ĐIỂM SPESI VÀ CRP-HS TRONG TIÊN LƯỢNG TỬ VONG 30 NGÀY TRÊN BỆNH NHÂN TẮC ĐỘNG MẠCH PHỔI CẤP
KẾT HỢP THANG ĐIỂM SPESI VÀ CRP-HS TRONG TIÊN LƯỢNG TỬ VONG 30 NGÀY TRÊN BỆNH NHÂN TẮC ĐỘNG MẠCH PHỔI CẤP
Trần Văn Cường1, Nguyễn Duy Linh2, Phan Nguyễn Đại Nghĩa1, Hoàng Bùi Hải1
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Viện Tim mạch Việt Nam
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Xác định giá trị tiên lượng tử vong ở ngày thứ 30 trên bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp theo thang điểm sPESI, nồng độ CRP-hs và kết hợp hai thông số. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện trên 162 bệnh nhân chẩn đoán tắc động mạch phổi cấp bằng cắt lớp vi tính đa dãy động mạch phổi có tiêm thuốc cản quang với 27 ca tử vong trong 30 ngày (16.67%). Kết quả: Giá trị tiên lượng độc lập thang điểm sPESI và nồng độ CRP-hs ở mức trung bình với AUC lần lượt là 0.74 và 0.65 với độ đặc hiệu và giá trị chẩn đoán dương tính thấp. Khi đánh giá đồng thời sPESI và CRP-hs không chỉ cải thiện độ đặc hiệu (93.3%) mà còn cải thiện giá trị tiên lượng tử vong (57.15%) trên nhóm đối tượng tắc động mạch phổi.
Tắc động mạch phổi là bệnh lý một hay vài nhánh của động mạch phổi bị tắc bởi huyết khối, tế bào ung thư, khí. Trong nghiên cứu chỉ đề cập đến tắc động mạch phổi do huyết khối với tỷ lệ tử vong cao (hàng thứ 3 sau nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não). Tỷ lệ tử vong trong tắc động mạch phổi tại Việt Nam theo Hoàng Bùi Hải và cộng sự là 9.4% (1). Tiên lượng là vấn đề mấu chốt để đưa ra thái độ và quyết định phương pháp điều trị kịp thời. Hiện nay, thông số tiên lượng đã được nghiên cứu thường xuyên được sử dụng bao gồm thang điểm sPESI, NT-proBNP, chức năng thất phải, Troponin. Tuy nhiên các thông số này đa phần đánh giá tỷ lệ tử vong ban đầu mà không đánh giá được khi bệnh lý đã tiến triển. Năm 1859, Virchow đưa ra giả thuyết sự hình thành cục máu đông là hệ quả của 3 quá trình: (1) ứ trệ tuần hoàn, (2) tổn thương lớp nội mạc, (3) rối loạn tăng đông. Trong đó, sự tổn thương nội mạc có liên quan chặt chẽ đến các phản ứng viêm do vậy gần đây có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của các dấu ấn sinh học trong các bệnh lý thuyên tắc huyết khối(2, 3). CRP-hs (high sentivity C –reactive protein) một dấu ấn sinh học của quá trình viêm được sản xuất ở gan đáp ứng với tình trạng viêm đã được chứng minh liên quan đến chẩn đoán cũng như tiên lượng bệnh nhân có bệnh lý thuyên tắc huyết khối(4). Tuy nhiên ở Việt Nam cũng như trên thế giới số lượng nghiên cứu giá trị CRP hs trên bệnh nhân tắc động mạch phổi còn hạn chế. Mục đích nghiên cứu: Đánh giá vai trò thang điểm sPESI và CRP-hs trong tiên lượng tử vong trong 30 ngày trên bệnh nhân có tắc động mạch phổi
Nguồn: https://luanvanyhoc.com