Kết quả can thiệp cấp cứu đặt Stent graft điều trị bệnh lý động mạch chủ tại khoa Phẫu thuật Mạch máu
Kết quả can thiệp cấp cứu đặt Stent graft điều trị bệnh lý động mạch chủ tại khoa Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy
Trần Quyết Tiến, Phan Duy Kiên
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Bệnh lý cấp cứu liên quan đến động mạch chủ là bệnh lý tim mạch nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không điều trị kịp thời. Can thiệp nội mạch hiện được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả, ít xâm lấn tại nhiều trung tâm mạch máu trên thế giới.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá hiệu quả của can thiệp cấp cứu đặt stent graft trong điều trị bệnh lý động mạch chủ tại khoa Phẫu thuật Mạch máu bệnh viện Chợ Rẫy.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca với 35 bệnh nhân có bệnh lý động mạch chủ được can thiệp cấp cứu đặt stent graft từ tháng 5/2012 đến tháng 01/2018 tại khoa Phẫu thuật Mạch máu bệnh viện Chợ Rẫy.
Kết quả: Nghiên cứu có 35 bệnh nhân can thiệp đặt stent graft cấp cứu, trong đó 14 trường hợp phình động mạch chủ ngực xuống vỡ, 13 trường hợp bóc tách động mạch chủ ngực có biến chứng, 5 trường hợp phình động mạch bụng vỡ, 3 trường hợp vỡ eo động mạch chủ do chấn thương. Nam giới chiếm 80 %, tuổi trung bình là 63,8 ± 19,2. Thời gian theo dõi trung bình là 12,1 tháng. Tỷ lệ chuyển vị các nhánh động mạch nuôi tạng và động mạch trên quai động mạch chủ để có vùng hạ đặt ống ghép thích hợp là 5,7%, tỷ lệ phủ động mạch dưới đòn trái là 31,4 %, tỷ lệ gây tê tại chỗ 57,1%. Tỷ lệ bung ống ghép thành công là 97,1%, có 1 trường hợp chuyển qua mổ mở. Tỷ lệ tử vong chu phẫu và trung hạn lần lượt là 14,2 % và 20,0 % trong đó không có trường hợp nào tử vong liên quan đến túi phình. Về biến chứng liên quan đến kỹ thuật sau 30 ngày, chúng tôi ghi nhận có 6 trường hợp rò ống ghép loại II nhưng không trường hợp nào cần can thiệp lại, có 1 trường hợp rò ống ghép thực quản tử vong do nhiễm trùng huyết.
Kết luận: Can thiệp cấp cứu đặt stent graft điều trị bệnh lý động mạch chủ là phương pháp mới an toàn, hiệu quả, thực hiện nhanh, ít xâm lấm, có tỷ lệ thành công cao và tỷ lệ biến chứng thấp.
Bệnh lý cấp cứu liên quan đến động mạch chủ (ĐMC) như phình, bóc tách, chấn thương …là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao trên 90% nếu không điều trị kịp thời. Theo số liệu thống kê của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, hàng năm có gần 13000 bệnh nhân (BN) tử vong vì bệnh lý động mạch chủ, trong đó nguyên nhân tử vong hàng đầu là do vỡ động mạch chủ. Đa số bệnh nhân không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang ngực, siêu âm bụng và chụp cắt lớp điện toán. Trước đây, điều trị các bệnh lý liên quan ĐMC chủ yếu là mổ mở thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo. Mặc dù có những tiến bộ trong ngành gây mê hồi sức, mổ mở vẫn có tỷ lệ tử vong chu phẫu cao, đặc biệt tỷ lệ tử vongcó thể lên đến 50% nếu bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Tuy nhiên, kể từ khi Juan Parodi và Michael Dake báo cáo những trường hợp phình động mạch chủ bụng và ngực đầu tiên trên thế giới được điều trị bằng can thiệp đặt stent graft lần lượt vào năm 1991 và 1994, phương pháp điều trị ít xâm lấn này ngày càng phát triển và áp dụng rộng rãi ở các trung tâm phẫu thuật mạch máu lớn trên thế giới [3].Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy phương pháp can thiệp đặt stent graft có tỷ lệ tử vong chu phẫu thấp hơn và kết quả ngắn hạn, trung hạn tốt hơn so với phương pháp mổ mở [6,7]..Tại Việt Nam, phương pháp can thiệp đặt stent graft đã được triển khai bước đầu tại một số trung tâm tim mạch lớn trong cả nước. Tại khoa Phẫu thuật Mạch máu bệnh viện Chợ Rẫy, phương pháp can thiệp đặt stent graft điều trị bệnh lý ĐMC được triển khai từ năm 2012. Sau 5 năm triển khai, chúng tôi đã thực hiện kỹ thuật này trên 269 bệnh nhân, trong đó có một số lượng đáng kể bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu như phình động mạch chủ ngực, bụng vỡ, bóc tách động mạch chủ ngực bụng cấp tính có biến chứng, chấn thương động mạch chủ ngực. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp đặt stent graft điều trị bệnh lý động mạch chủ trong bệnh cảnh cấp tính
Nguồn: https://luanvanyhoc.com