KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ VIÊM MỦ KHỚP GỐI TẠI KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH VÀ CỘT SỐNG
KẾT QUẢ PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ VIÊM MỦ KHỚP GỐI TẠI KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH VÀ CỘT SỐNG
Hoàng Giang Đặng 1,2,, Gia Du Hoàng 2, Xuân Thành Đào 1,2, Đức Tuyền Nguyễn 2
Viêm mủ khớp gối là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào bên trong làm tổn thương hệ thống màng hoạt dịch – sụn khớp, có thể dẫn đến tổn thương không hồi phục làm mất chức năng vận động khớp. Điều trị viêm mủ khớp gối phụ thuộc vào mức độ lâm sàng, giai đoạn bệnh mà có thể áp dụng điều trị nội khoa (chọc hút dịch và điều trị kháng sinh) hoặc ngoại khoa (nội soi làm sạch khớp-cắt lọc tổ chức hoạt dịch viêm). Nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi điều trị viêm mủ khớp gối, chúng tôi tiến hành nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến cứu và hồi cứu 38 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị viêm mủ khớp gối trong thời gian từ tháng 05/ 2019 đến tháng 04/ 2021 tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống – Bệnh viện Bạch Mai, thời gian theo dõi ngắn nhất là 6 tháng và dài nhất là 23 tháng. Kết quả nghiên cứu: Sau phẫu thuật 6 tháng điểm VAS tại khớp gối giảm từ 8.3 ± 0.78 trước phẫu thuật xuống 0.47 ± 0.21 (p<0.001), không có bệnh nhân nào còn triệu chứng nóng đỏ tại khớp, 4 bệnh nhân (10.53%) còn tràn dịch khớp. Điểm trung bình thang điểm Lysholm trước phẫu thuật 38.89 ± 4.27 lên 91.45 ± 3.8 sau 6 tháng (p<0.001). Cận lâm sàng: Staphylococcus aureus là vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất ( MRSA chiếm 55.26%). Các chỉ số BC, CRP và ESR trở về bình thường sau điều trị. Biến chứng: tràn máu khớp gối gặp 2 bệnh nhân (5.26%), viêm mủ khớp gối tái phát 1 bệnh nhân (2.63%), 1 bệnh nhân (2.63%) có ổ di bệnh tại khớp vai. Kết luận: phẫu thuật nội soi làm sạch điều trị viêm mủ khớp gối mang lại kết quả tốt với việc giải quyết triệt để tình trạng nhiễm trùng khớp gối.
Viêm mủ khớp là bệnh nhiễm trùng khớp gây ra bởi vi khuẩn, đây là tình trạng cấp cứu trong các bệnh lý cơquan vận động, chẩn đoán và xử trí kịp thời là điều cần thiết để tránh suy giảm chức năng khớp và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Theonghiên cứu tạiBệnh viện Trường Đại học Gabriel Montpied-Pháp, tỷ lệ mắc bệnh viêm mủ khớp ước tính từ 1 đến 10 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm và tăng sau 50 tuổi[1].Khớp gối là vị trí phổ biến nhất của viêm mủ khớp, sau đó là khớp vai, khớp háng và khớp cổ chân[2]. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng bao gồm sưng nóng, đau, hạn chế vận động khớp có thể kèm theo sốt hoặc không, các triệu chứng cận lâm sàng như tăng số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi, tăng nồng độ CRP và tốc độ máu lắng, tiêu chuẩn vàng là chọc hút nuôi cấy dịch khớp dương tính với vi khuẩn, bên cạnh đó là các dấu hiệu hình ảnh như tràn dịch khớp, viêm dày tăng sinh màng hoạt dịch trên siêu âm hoặc cộng hưởng từ. Nhiều phương pháp điều trị được ủng hộ cho đến nay bao gồm chọc hút dịch khớp nhiều lần bằng kim, bơm rửa và cắt bao hoạt dịch bằng phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi, trong đó phẫu thuật nội soi mang lại hiệu quả tốt với nhiều ưu điểm như: quan sát rõ tổn thương, ít làm tổn thương các thành phầnxung quanh khớp, cắt bỏ hoàn toàn màng hoạt dịch viêm và lấy bỏ các tổ chức hoạt tử, đặc biệt khớp gốilà 1 khoang kín, nội soilàm cho áp lực bơm rửa mạnh hơn giúp làm sạch mủ và giả mạc, phục hồi chức năng nhanh và thời gian nằm viện ngắn. Trên thế giớiđã có một số tác giả nghiên cứu về hiệu quả của phẫu thuật nội soi điều trị tình trạng viêm mủ khớp nói chung và viêm mủ khớp gối nói riêng, đã cho các kết quả tốt. Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, hàng năm tiếp nhận hàng trăm trường hợp nhiễm trùng, áp xe của hệ thống cơ xương khớp, trong đó có viêm mủ khớp gối do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên chưa có thống kê nào đánh giá về kết quả phẫu thuật nội soi làm sạch điều trị viêm mủ khớp gối. Từ thực tế lâm sàng chúng tôi thực hiện đề tài
Nguồn: https://luanvanyhoc.com