KẾT QUẢ PHẪU THUẬT TRIỆT CĂN VÀ HÓA TRỊ BỔ TRỢ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG GIAI ĐOẠN IC, II TẠI BỆNH VIỆN K

KẾT QUẢ PHẪU THUẬT TRIỆT CĂN VÀ HÓA TRỊ BỔ TRỢ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG GIAI ĐOẠN IC, II TẠI BỆNH VIỆN K

Ung thư buồng trứng là bệnh phổ biến trong các ung thư phụ khoa và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư phụ khoa ở Mỹ. Bệnh ung thư buồng trứng đứng thứ 7 trong các bệnh ung thư của phụ nữ trên toàn thế giới. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở tuổi mãn kinh, có khoảng hơn một nửa xuất hiện sau tuổi 60 [1, 24].

Trên thế giới, tỷ lệ mắc cao ở phụ nữ da trắng (13 – 15/100.000 phụ nữ), tỷ lệ mắc thấp hơn ở Nhật Bản và các quốc gia đang phát triển (10/100.000 phụ nữ). Năm 2007, tại Mỹ ghi nhận 22.430 trường hợp mới mắc, 15.280 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này, số phụ nữ tử vong vì ung thư buồng trứng bằng tổng số phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung và ung thư niêm mạc tử cung [2].

Tại Việt Nam, bệnh phổ biến đứng hàng thứ ba trong các bệnh ung thư phụ khoa. Theo ghi nhận ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 4,4/100.000 dân, ở Hà Nội là 3,7/100.000 dân [3]. Về mô bệnh học, có tới 80 – 90% ung thư buồng trứng là loại biểu mô, 5 – 10% là ung thư tế bào mầm, và khoảng 5% ung thư có nguồn gốc mô đệm [1].

Trong đó ung thư biểu mô buồng trứng là bệnh khó chẩn đoán sớm, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã lan tràn, gieo rắc vùng chậu và ổ bụng, ngay cả ở những nước tiên tiến vẫn có khoảng 70 – 80% bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn tiến triển (III, IV). Vì vậy ung thư biểu mô buồng trứng là bệnh khó chữa khỏi, tỷ lệ tử vong cao. Về điều trị thì điều trị phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo. Giai đoạn sớm, bệnh thường diễn biến âm thầm với triệu chứng không đặc hiệu hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời ở giai đoạn này tiên lượng tốt hơn nhiều so với giai đoạn tiến triển. Hóa chất bổ trợ sau phẫu thuật được chỉ định ở tất cả các giai đoạn của ung thư buồng trứng. Theo các nghiên cứu nước ngoài tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 70 – 90% đối với giai đoạn I, 50 – 60% đối với giai đoạn II, tỷ lệ này giảm xuống còn 15-20% đối với giai đoạn III và chỉ còn dưới 5% đối với giai đoạn IV [1, 2].

Tại Việt Nam, hiện nay các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn tiến triển, có rất ít nghiên cứu riêng về đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng cũng như kết quả điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Vì vậy nghiên cứu được tiến hành nhằm mục tiêu đánh giá kết quả điều trị ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn IC – II bằng phẫu thuật kết hợp hóa chất phác đồ Paclitaxel – Carboplatin tại bệnh viện K.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá kết quả điều trị ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn IC, II bằng phẫu thuật kết hợp với hóa chất phác đồ Paclitaxel – Carboplatin tại bệnh viện K và một số yếu tố ảnh hưởng. Kết quả cho thấy thời gian theo dõi trung bình 22,9 ± 17,2 tháng, sống thêm toàn bộ trung bình là 56,3 ± 3,0 tháng, tại thời điểm 3 năm là 79,9%, 5 năm là 71,9%. Sống thêm không bệnh trung bình là 45,4 ± 3,4 tháng, tại thời điểm 3 năm là 62,8%, 5 năm là 41,2%. Bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng có nồng độ CA125 > 600 U/ml và giai đoạn II có nguy cơ bệnh tái phát và tử vong cao hơn so với những bệnh nhân có CA125 < 600 U/ml và giai đoạn IC. Kết luận: điều trị ung thư biểu mô buồng trứng giai đoạn IC-II bằng phẫu thuật triệt căn và hóa trị bổ trợ theo phác đồ Paclitaxel – Carboplatin đã đạt được kết quả tốt.

 

 

Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất

Leave a Comment