KẾT QUẢ SỐNG THÊM VÀ MỘT SỐ TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA HOÁ CHẤT TOPOTECAN TRONG ĐIỀU TRỊ BƯỚC HAI UNG THƯ PHỔI TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN MUỘN TẠI BỆNH VIỆN K
KẾT QUẢ SỐNG THÊM VÀ MỘT SỐ TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA HOÁ CHẤT TOPOTECAN TRONG ĐIỀU TRỊ BƯỚC HAI UNG THƯ PHỔI TẾ BÀO NHỎ GIAI ĐOẠN MUỘN TẠI BỆNH VIỆN K
Đỗ Hùng Kiên1, Nguyễn Thị Như Hoa1
1 Bệnh viện K
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị và tác dụng không mong muốn của Topotecan đơn trị trong điều trị bước 2 ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn sau khi tiến triển với phác đồ bộ đôi platinum – Etoposide tại bệnh viện K. Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu kết hợp tiến cứu trên 42 ung thư phổi không tế bào nhỏ (SCLC) tiến triển tái phát sau điều trị bước một với phác đồ bộ đôi platinum – Etoposide trong vòng dưới 6 tháng, được điều trị bằng Topotecan tại bệnh viện K từ 01/2017 đến 4/2022. Kết quả: Tuổi mắc trung bình là 58,5; nam gặp nhiều hơn nữ với tỉ lệ nam/nữ = 2,4/1. Triệu chứng lâm sàng hay gặp là đau ngực (73,8%), ho (64,3%), khó thở (47,6%) với cơ quan di căn thường gặp là não (30,9%), gan (26,2%). Về đáp ứng điều trị, có 9 bệnh nhân đạt được đáp ứng hoàn toàn và một phần (ORR) chiếm 21,4%; 7 bệnh nhân bệnh giữ ổn định chiếm tỉ lệ 16,7%. Tỉ lệ kiểm soát bệnh là 38,1%. Về đáp ứng cơ năng, đa phần bệnh nhân có cải thiện triệu chứng. Thời gian sống thêm không bệnh tiến triển (PFS) trung bình là 16,0 tuần. Các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là trên hệ tạo huyết, đặc biệt là trên dòng bạch cầu hạt: tỉ lệ hạ bạch cầu trung tính độ 3, độ 4 chiếm tương ứng là 19,0% và 47,6%, tiêu chảy và buồn nôn ít gặp với độc tính độ 3, 4 (dưới 5%). Kết luận: Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn tái phát di căn thường gặp nam giới, lớn tuổi với triệu chứng đau ngực và khó thở chiếm đa số. Điều trị phác đồ Topotecan bước 2 giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng và tỷ lệ kiểm soát bệnh đạt 38,1% với độc tính hay gặp nhất là hạ bạch cầu trung tính.
Ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer -SCLC) chiếm 15% trong tổng số bệnh ung thư phổi và xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân hút thuốc. Bệnh tiên lượng xấu do thời gian nhân đôi nhanh chóng, tỷ lệ tăng trưởng cao và sự phát triển sớm của di căn. Với bênh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn được điều trị, thời gian sống thêm không bệnh tiến triển (PFS) chỉ 5,5 tháng và sống thêm trung bình chỉ dưới 10 tháng [1]. Trong điều trị SCLC giai đoạn lan tràn phác đồ dựa trên platinum (cisplatin hoặc carboplatin) với etoposide, có hoặc không kết hợp với Atezolizumab là lựa chọn đầu tay [2-3]. Với những bệnh nhân tiến triển sau điều trị bước một, tiên lượng rất nghèo nàn, thời gian sống thêm khoảng từ hai đến sáu tháng, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào chỉ số toàn trạng, sự lan tràn của bệnh và thời gian bệnh tái phát lại sau điều trị bước một [4]. Với những bệnh nhân không đáp ứng, tiến triển ngay trong quá trình điều trị, tiến triển bệnh sớm dưới 6 tuần, tiện lượng rất xấu, thường được khuyến nghị chăm sóc triệu chứng hoặc cho vào các thử nghiệm lâm sàng. Với những bệnh nhân tái phát bệnh muộn sau 6 tháng (nhóm nhạy cảm với platinum), khuyến nghị sử dụng lại phác đồ kết hợp như bước một [5]. Với bệnh nhân tiến triển bệnh trong vòng 6 tháng, hóa chất đơn trị được khuyến nghị, trong đó Topotecan là tác nhân duy nhất làm tăng tỉ lệ sống thêm so với chỉ chăm sóc hỗ trợ, kiểm soát triệu chứng bệnh tốt hơn so với chế độ đa hóa trị, và cũng là hóa trị duy nhất được FDA phê duyệt cho điều trị bệnh tái phát sau 45 ngày kể từ khi hoàn thành hóa trị [6][7][8]. Tại Việt Nam và Bệnh viện K, điều trị bước 2 ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn có nhiều lựa chọn tùythuộc vào đặc điểm bệnh nhân, thể trạng và điều kiện kinh tế, trong đó có Topotecan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả phác đồ Topotecan trên nhóm bệnh nhân này, do đó chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài này nhằm mục tiêu: Đánhgiá thời gian sống thêm không bệnh tiến triển và một số tác dụng không mong muốn của Topotecan đơn trị trong điều trị bước 2 ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn sau khi tiến triển với phác đồ bộ đôi platinum –Etoposide tại bệnh viện K.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com