Khám Hệ Thống Động Tĩnh Mạch – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

Khám Hệ Thống Động Tĩnh Mạch – Bài Giảng ĐHYD TPHCM

PHẦN 1: KHÁM MẠCH CHI TRÊN – CHI DƯỚI

Contents

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Hệ động mạch

Hệ động mạch mang máu đã bão hòa ôxy từ tim đến các mô trong cơ thể. Có thể sờ được động mạch khi động mạch đi nông dưới da hoặc đi sát xương. Các vị trí có thể sờ thấy mạch được ghi trong hình 2.1. Khi thất trái tống máu ra động mạch chủ cũng là lúc sóng mạch khởi đầu lan ra ngoại vi. Cần nhớ là sóng mạch lan ra ngoại vi nhanh hơn dòng máu chảy. Kết quả ghi nhận qua đo áp lực trong lòng mạch cho kết quả tương ứng với kết quả ghi nhận được qua cảm giác của ngón tay đè trên thành động mạch (hình 2.2). Những yếu tố ảnh hưởng đến mạch được liệt kê trong bảng 2.1. Các tiểu động mạch giữ vai trò quan trọng trong điều chỉnh kháng lực ngoại biên. Những động mạch lớn như động mạch đùi, cảnh, quay hoạt động đơn giản như một ống dẫn và có vai trò rất ít trong điều chỉnh huyết áp.

2. Hệ tĩnh mạchtinh mach chinh cua co the

Tĩnh mạch tập trung máu từ các mô về tim. Hình 2.3 minh họa các tĩnh mạch chính của cơ thể. Áp lực trong hệ tĩnh mạch thấp hơn áp lực trong hệ động mạch rất nhiều. Máu từ tĩnh mạch ở ngực và bụng được dẫn lưu thụ động trực tiếp về tĩnh mạch chủ dưới hoặc gián tiếp qua tĩnh mạch azygos. Ở tư thế đứng, sự hồi lưu của tĩnh mạch đầu và cổ có sự tham gia của trọng lực. Ở tĩnh mạch chi, đặc biệt là chi dưới, sự hồi lưu tĩnh mạch thụ động không đủ hiệu quả. Hệ tĩnh mạch chi được chia thành tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch nông. Trong lòng tĩnh mạch có hệ thống van một chiều giúp máu di chuyển một chiều về tim. Khi vận động, cơ co thắt ép vào tĩnh mạch sâu giúp máu di chuyển dễ dàng về tim.

Bảng 2.1. Những yếu tố ảnh hưởng đến mạch

Vận tốc tống máu của tim
Thể tích nhát bóp của tim (giảm khi nhịp nhanh, suy tim)
Kháng lực ngoại vi (giảm gây trụy mạch)
Tắc nghẽn buồng thoát thất trái (mạch lên chậm trong hẹp động mạch chủ)
Độ đàn hồi của mạch máu ngoại vi (người già mạch cứmg)

 

vi tri mach so duoc tren co the

Hình 2.1: Vị trí mạch sờ được

II. CÁCH KHÁM CHI TRÊN

Quan sát cả hai chi từ đầu ngón đến vai. Chú ý đến kích thước và sự cẩn đối của hai chi, màu sắc của da và móng, quan sát hệ thống tĩnh mạch nông, phù.

1. Mạch quay

Bằng mặt lòng của đầu ngón trở và đầu ngón giữa sờ mạch quay ở cạnh ngoài mặt gấp cổ tay. Khám mạch quay để đánh giá tần số tim và nhịp tim. Nếu nghi ngờ có bất thường ở động mạch cánh tay, cần khám mạch quay hai bên cùng lúc để so sánh độ nẩy (volume) và thời gian kéo dài của mạch (timing). Cần khám mạch quay và mạch đùi cùng lúc nếu nghi ngờ có hẹp eo động mạch chủ. Khi hẹp eo động mạch chủ không chỉ độ nẩy của động mạch đùi giảm mà mạch đùi còn đến chậm hơn đáng kể so với mạch quay.

2. Mạch trụ

Sờ mạch trụ ở mặt gấp phía trong cổ tay. Thường thì mạch trụ không sờ thấy. Để đánh giá động mạch tại có thể dùng test Allen. Đặt hai ngón tay cài nhẹ nhàng trên hai mạch quay của bệnh nhân, sau đó yêu cầu bệnh nhân nắm chặt hai lòng bàn tay lại. Ép mạnh ngón cái để làm nghẽn hai mạch quay và yêu cầu bệnh nhân buông hai bàn tay ra ở tư thế lòng bàn tay xòe hơi gập nhẹ. Quan sát màu sắc của hai lòng bàn tay. Bình thường lòng bàn tay sẽ hồng lại nhanh vì máu qua động mạch trụ đến lòng bàn tay. Nếu không hồng trở lại, có nghĩa là mạch trụ bị tắc.

3. Mạch cánh tay

Tốt nhất là bắt mạch cánh tay bên phải của bệnh nhân bằng ngón cái bên phải của người khám. Ngón tay cái đặt ở mặt trước khuỷu phía trong gân cơ nhị đầu, các ngón còn lại ôm lấy mặt sau khuỷu. Tuy nhiên phải rất cẩn thận khi dùng ngón cái để lấy mạch vì có thể nhầm vói chính mạch của người khám khi mà mạch bệnh nhân quá yếu trong bệnh lý mạch ngoại biên. Lợi điểm của ngón cái là có cảm giác về động học nhạy hơn nhiều so với các ngón khác, nhờ đó có thể giúp nhận rõ tính chất mạch. Có thể bắt mạch cánh tay bằng ngón trỏ và ngón giữa.

4. Mạch cảnh

Mạch cảnh ở gần tim nên phản ánh hoạt động của tim tốt nhất. Bắt mạch cảnh bên phải bệnh nhân bằng cách đặt mặt lòng đỉnh ngón tay cái của người khám lên thanh quản của bệnh nhân, sau đó ép nhẹ ra phía sau bên (hình 2.6). Cách khám khác là dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt một bên cổ bệnh nhân (hình 2.7). Trong hẹp động mạch chủ nặng mạch cảnh lên chậm rất rõ. Nếu mạch cảnh khó bắt mà mạch quay và mạch cánh tay dễ bắt, nguyên nhân có thể do hẹp động mạch chủ vì càng ra ngoại vi mạch càng trở nên bình thường hơn. Trong bệnh cơ tim phì đại, dấu mạch giật (jerky) có thể gặp do mạch lúc khởi đầu bình thường sau đó đột ngột tụt xuống do dòng phụt bị mất đột ngột lúc buồng thoát thất trái bị tắc lại.

III. CÁCH KHÁM CHI DƯỚI

Quan sát từ háng, mông đến ngón chân. Chú ý đến kích thước và sự cân đối của hai chân, màu sắc da và móng, sự phân bố lông, sắc tố da, nốt mẩn, sẹo, vết loét, đường tĩnh mạch nông và những chỗ tĩnh mạch dãn, phù.

1. Mạch đùi

Bắt mạch đùi để đánh giá hoạt động của tim cũng tốt như mạch cảnh. Khi có bệnh lý của động mạch chủ hoặc động mạch chậu thì mạch đùi thường mất hay giảm. Khi khám, bệnh nhân nằm trên giường phẳng, bộc lộ vùng cần khám (cởi quần áo), ngón cái hoặc ngón trỏ và giữa của người khám đặt tại điểm giữa của đường nối từ gai chậu trước trên và xương mu.

2. Mạch khoeo

Mạch khoeo nằm sâu trong hố khoeo nhưng có thể bắt được khi ép lên mặt sau xưong đùi. Bệnh nhân nằm trên giường phẳng với đầu gối hoi cong. Người khám dùng các ngón tay của một bàn tay ép lên trên các đầu ngón của một bàn tay còn lại đang đặt trên hố khoeo ở sau khóp gối (hình 2.11). Khám mạch khoeo chủ yếu để đánh giá bệnh lý mạch ngoại vi, đặc biệt ở người có cơn đau cách hồi.

3. Mạch mu bàn chân và mạch chày sau

Bắt mạch này chủ yếu để đánh giá bệnh lý mạch máu ngoại vi, mặc dù có thể dùng để đánh giá tần số mạch và nhịp mạch như trường hợp bệnh nhân đang được gây mê. Bắt mạch mu bàn chân dọc theo mặt bên của gân duỗi dài ngón cái (hình 2.12). Bắt mạch chày sau ngay phía sau mắt cá trong (hình 2.13).

Leave a Comment