Kháng thuốc của Mycobacterium Tuberculosis ở bệnh nhân có xét nghiệm HIV(+)
Bệnh lao hiện đang là vấn đề khẩn cấp toàn cầu, nguyên nhân làm bệnh lao gia tăng và quay trở lại là do sự bùng nổ đại dịch HIV/AIDS, sự gia tăng dân số, đặc biệt sự kháng thuốc của vi khuẩn lao cũng là một trong những nguyên nhân này. Vi khuẩn lao kháng thuốc đang là nỗi lo của nhân loại, thế giới đang phải đối mặt với một thách thức mới : “ Bệnh lao kháng thuốc “. Đây là một trong những khó khăn lớn làm chiến lược khống chế và thanh toán bệnh lao chưa thực hiện được. Hiểu biết đầy đủ về kháng thuốc của vi khuẩn lao đặc biệt là kháng thuốc của vi khuẩn lao ở bệnh nhân lao/HIV(+) nhằm góp phần có những tác động tích cực để giảm chủng vi khuẩn kháng thuốc, giảm nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng. Chuyên đề này đề cập một số nội dung về tình hình dịch tễ lao kháng thuốc, một số đặc điểm và cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn lao, các phương pháp phát hiện kháng thuốc.
2. TÌNH HÌNH LAO KHÁNG THUỐC
2.1. TÌNH HÌNH KHÁNG THUỐC LAO TRÊN THẾ GIỚI
Sự phát minh ra các thuốc chữa lao vào những thập kỷ 40 – 60 của thế kỷ XX được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của y học đối với công cuộc khống chế và thanh toán bệnh lao. Chỉ trong vòng khoảng hai thập kỷ (1944 – 1965), mà hàng chục loại thuốc chữa lao được phát minh hoặc đưa vào điều trị bệnh lao đã cứu được rất nhiều bệnh nhân lao trên thế giới. Cho đến nay những thuốc đó vẫn là những thuốc quan trọng để chữa bệnh lao. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau khi thuốc lao đầu tiên là Streptomycin ra đời (1944), người ta đã sớm nhận thấy hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn. Năm 1946, những nhận xét đầu tiên về vi khuẩn kháng thuốc đã được nêu lên. Thuật ngữ “kháng thuốc tiên phát” được hình thành từ năm 1952, Arany L. đã thông báo cụ thể 12 bệnh nhân (BN) lao chưa được điều trị lao, nhưng trong đờm đã có vi khuẩn lao kháng với Streptomycin. Năm 1960, Rist N. và Crofton dựa trên số liệu của 17 nước trên thế giới, cho biết tỷ lệ kháng thuốc tiên phát trung bình là 8,2%. Hiện tượng vi khuẩn lao kháng thuốc lúc đó là một vấn đề thời sự và cũng có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Beck F. (1955) nhận xét trong số 550 bệnh nhân lao ở một bệnh viện ở NewYork đã có 10 người có vi khuẩn lao kháng thuốc. Groset I. và Benhosine M. (1967) theo dõi BN lao ở 6 quân y viện của Algerie, các tác giả cho biết tỷ lệ kháng thuốc tiên phát là 14,2%. Tại Cộng hoà Séc – Slòsarek M. (1978) nghiên cứu 1601 bệnh phẩm, từ 1090 BN lao mới, tỷ lệ kháng thuốc tiên phát chỉ là 1,1%. Peterson K, F. (1981) nhận thấy tỷ lệ kháng thuốc tiên phát không đồng đều ở châu Âu: kháng Isoniazid từ 1,3% ở Thụy Điển đến 13,1% ở Bồ Đào Nha. Kháng với Streptomycin từ 0,4% ở Tiệp Khắc (nay là cộng hoà Séc) đến 12,8% ở Bungari. Theo tài liệu của các tác giả Liên Xô (cũ) tỷ lệ kháng thuốc tiên phát của nước này dao động từ 1,4% đến 28%. Dcốp M.P. (1976) nhận xét chung rằng kháng thuốc tiên phát với Isoniazid ở các nước đang phát triển (Á, Phi, Mỹ Latinh) là khoảng 10%, trong khi ở các nước có nền kinh tế phát triển, tỷ lệ này không vượt quá 5%. ở hầu hết các nước gặp tỷ lệ kháng tiên phát với Streptomycin là cao nhất. Tuy nhiên ở Cộng hoà Séc, Đức, Ba-lan, Thụy Điển thì kháng Isoniazid lại cao hơn kháng Streptomycin.
Trong những năm của thập kỷ 70, khi Rifampicin được đưa vào điều trị, thì cũng có ngay những công bố về vi khuẩn kháng lại thuốc này. Adomôvic H.H. (1980) đã nhận thấy những năm 1972 – 1974 không có kháng Rifampicin ở Liên Xô (cũ) thì năm 1976 – 1977 tỷ lệ kháng thuốc này là 5%. Những công trình nghiên cứu của nhiều tác giả khác ở nhiều nước cũng thấy tỷ lệ kháng Rifampicin ngày càng tăng.
Năm 1991, tỷ lệ kháng thuốc từ đầu ở một số nước như sau: Ở các nước Châu Mỹ Latinh (Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cu-ba, Hai-ti, Mê-hi-cô, Pê-ru) là 22,9% (kháng với Streptomycin là 14,6%, với Isoniazid là 8,3%). Những nước thuộc Nam Mỹ (Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Pa-ra-guay, Bra-xin) tỷ lệ này là 9,7%. Khu vực Châu Á (đại diện là hai nước Ân Độ và Hàn Quốc) tỷ lệ kháng thuốc ban đầu là 21,1%.
MỤC LỤC
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 1
2. TÌNH HÌNH LAO KHÁNG THUỐC 1
2.1. Tình hình kháng thuốc lao trên thế giới 1
2.2. Tình hình kháng thuốc trên thế giới ở bệnh nhân lao/HIV(+) 8
2.3. Tình hình kháng thuốc lao ở Việt Nam 9
2.4. Tình hình kháng thuốc ở bệnh nhân lao/HIV(+) ở Việt Nam 13
3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VÀ CƠ CHẾ KHÁNG THUỐC CỦA VI KHUẨN LAO 14
3.1. Một số đặc điểm của vi khuẩn lao 14
3.2. Vi khuẩn lao kháng thuốc 16
3.2.1. Một số định nghĩa vi khuẩn lao kháng thuốc 16
3.2.2. Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn lao 17
3.2.3. Nhiễm HIV làm tăng kháng thuốc của vi khuẩn lao 19
4. CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT HIỆN KHÁNG THUỐC 20
4.1. Phương pháp định typ theo kiểu hình 20
4.2. Phương pháp genotyp 24
4.3. Các phương pháp định typ theo kiểu hình (phenotype) mới 28
5. KẾT LUẬN 33
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích