KHẢO SÁT ĐẶC TÍNH CHÙM TIA KHÔNG LỌC PHẲNG (FFF) VÀ ỨNG DỤNG CHÙM TIA FFF VÀO CÁC KỸ THUẬT 3D, IMRT, MAT, SRS TRÊN MÁY TRUEBEAM TẠI BỆNH VIỆN UNG BƯỚU TP. HỒ CHÍ MINH
KHẢO SÁT ĐẶC TÍNH CHÙM TIA KHÔNG LỌC PHẲNG (FFF) VÀ ỨNG DỤNG CHÙM TIA FFF VÀO CÁC KỸ THUẬT 3D, IMRT, MAT, SRS TRÊN MÁY TRUEBEAM TẠI BỆNH VIỆN UNG BƯỚU TP. HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN TRUNG HIÊU1, PHAN QUỐC UY2, VŨ ANH DUY2, TRƯƠNG HỮU THANH3, VO TẤN LINH3
TÓM TẮT
Giới thiệu: Hiện tại, bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động hai máy xạ trị TrueBeam là dòng máy mới, hiện đại được sản xuất bởi Varian Medical Systems (Palo Alto, CA, Mỹ). Máy gia tốc tuyến tính TrueBeam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ trị điều biến liều (Intensity modulated radiotherapy-IMRT), xạ trị dưới sự hướng dẫn hình ảnh (Image guided radiotherapyIGRT), xạ trị vòng cung (Volumetric Modulated Arc Therapy-VMAT), kỹ thuật xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic body radiotherapy-SBRT), xạ phẫu (Stereotactic radiosurgery-SRS). Để đảm bảo cho việc đưa thiết bị mới vào điều trị cho bệnh nhân, việc tìm hiểu kỹ các vấn đề kỹ thuật và xây dựng các quy trình chuẩn cần được đặt lên hàng đầu.
Báo cáo này trình bày kết quả tìm hiểu, khảo sát đặc tính chùm tia không lọc phẳng (Flattening filter freeFFF) của máy TrueBeam tại Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM. Đồng thời khảo sát tính phù hợp và lợi ích của chùm tia FFF đối với các kỹ thuật 3D, IMRT, VMAT, SRS.
Phương pháp: So sánh chùm tia lọc phẳng (Flattening filter-FF) với chùm tia không lọc phẳng (FFF) về đặc tính chùm tia để làm rõ sự khác nhau của hai chùm tia. Dữ liệu phân tích được lấy từ kết quả thu thập dữ liệu chùm tia cho hệ thống lập kế hoạch điều trị.
Lập hai kế hoạch điều trị cho các ca lâm sàng sử dụng 2 chùm tia FF và FFF đối với từng kỹ thuật 3D, IMRT, VMAT, SRS với các thông số như nhau trong việc tối ưu hóa liều lượng. Sau khi đánh giá phân bố liều trên khối u và trên cơ quan lành, nhận xét ưu khuyết điểm của chùm tia FFF và FF trong từng kỹ thuật. Từ đó, định hướng kỹ thuật sử dụng chùm tia FFF.
Kết luận: Chùm tia FFF có phổ năng lượng mềm hơn, do đó cho liều bề mặt cao hơn chùm tia FF. Bên cạnh đó cường độ chùm tia FFF tập trung nhiều ở tâm, giảm dần về biên trường chiếu, liều bên ngoài trường chiếu giảm do tán xạ đầu máy giảm. Suất liều tăng cao là một ưu thế của chùm tia FFF trong việc giảm thời gian phát tia xạ trị cho bệnh nhân.
Chùm tia FFF không phù hợp với kỹ thuật 3D sử dụng các trường chiếu cơ bản. Đối với kỹ thuật IMRT, VMAT, chùm tia FFF cho kết quả phân bố liều không quá nhiều khác biệt so với chùm tia FF. Đối với kỹ thuật SRS sử dụng cones (bộ phận định dạng chùm tia hình nón), chùm tia FFF thể hiện ưu thế về thời gian phát tia xạ nhờ có suất liều cao
Nguồn: https://luanvanyhoc.com