KHẢO SÁT ĐIỀU TRỊ SUY TIM THEO KHUYẾN CÁO CỦA HỘI TIM CHÂU ÂU 2016
KHẢO SÁT ĐIỀU TRỊ SUY TIM THEO KHUYẾN CÁO CỦA HỘI TIM CHÂU ÂU 2016
Nguyễn Ngọc Thanh Vân1,2, Nguyễn Đinh Quốc Anh1,3, Hoàng Văn Sỹ1,3, Châu Ngọc Hoa1,2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Dù đã có nhiều điều trị làm cải thiện tỷ lệ tử vong trong các thử nghiệm lâm sàng, trên thực tế, tỷ lệ tử vong 5 năm ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm vẫn >50%. Các nghiên cứu sổ bộ tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á cho thấy đa số bệnh nhân không được sử dụng các thuốc này ở liều đích theo các nghiên cứu. Chưa có nghiên cứu tại Việt Nam đánh giá tỷ lệ sử dụng các thuốc Ức chế hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone, chẹn Beta và lợi tiểu kháng Aldosterone ở liều đích.
Mục tiêu: Xác định đặc điểm dân số bệnh nhân suy tim, tỷ lệ bệnh nhân được sử dụng các thuốc Ức chế hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone, chẹn Beta và lợi tiểu kháng Aldosterone và tỷ lệ bệnh nhân đạt liều đích của các điều trị này.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, trên bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm, đang điều trị tại phòng khám hoặc khoa Tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh viện Nhân Dân Gia Định và bệnh viện Chợ Rẫy, từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020.
Kết quả: Có 302 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu. Tuổi trung bình là 60,9, trong đó có 55,3% là nam. Phân suất tống máu thất trái trung vị là 31%, thời gian suy tim trung vị là 2 năm. 61,9% bệnh nhân có NYHA III-IV. Nguyên nhân hàng đầu gây suy tim phân suất tống máu giảm là bệnh mạch vành (65,2%), nguyên nhân ít gặp nhất là bệnh van tim (3%). Bệnh đi kèm thường gặp nhất là rối loạn chuyển hoá lipid (75,5%). 95,3% bệnh nhân có điều trị với ít nhất 1 trong 3 thuốc. 43,4% được điều trị đủ 3 thuốc nền tảng. Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế hệ Renin-Angiotensin-Aldosteron, chẹn Beta và lợi tiểu kháng Aldosterone lần lượt là 86,5%, 65,2% và 71,2%. Tỷ lệ sử dụng thuốc ức chế Neprilysin là 4,6%. Tỷ lệ bệnh nhân đạt liều đích theo Hội Tim mạch châu Âu lần lượt là 12,5%, 6,3% và 53%. Nếu sử dụng khuyến cáo tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân đạt liều đích cao hơn, tương ứng với 25,4%, 15,7% và 79,1%.
Kết luận: 95,3% bệnh nhân đã được điều trị với thuốc ức chế hệ Renin-Angiotensin-Aldosterone, chẹn Beta và lợi tiểu kháng Alodsterone. Tuy nhiên đa số chưa đạt liều đích. Nghiên cứu gợi ý vai trò của bác sĩ lâm sàng trong việc cá thể hoá và điều chỉnh thuốc đến liều tối đa dung nạp, giúp cải thiện các kết cục tim mạch cho bệnh nhân.
Suy tim là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng, với 38 triệu người hiện mắc toàn cầu. Cùng với sự lão hoá của dân số và các tiến bộ y học, ngày càng nhiều bệnh nhân được chẩn đoán suy tim. Dự đoán, tỷ lệ suy tim sẽ tăng lên 46% trong khoảng thời gian 2012-2030.
Không chỉ tăng lên về số ca hiện mắc và mới mắc, mà gánh nặng tử vong và bệnh tật của bệnh nhân suy tim vẫn còn cao. Trong giai đoạn 1990-2009, tỷ lệ tử vong 5 năm ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu <40% vẫn là 67,4%.
KHẢO SÁT ĐIỀU TRỊ SUY TIM THEO KHUYẾN CÁO CỦA HỘI TIM CHÂU ÂU 2016