KHẢO SÁT THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VANCOMYCIN Ở BỆNH NHÂN VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN DO STAPHYLOCOCCUS AUREUS
KHẢO SÁT THỰC TRẠNG SỬ DỤNG VANCOMYCIN Ở BỆNH NHÂN VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN DO STAPHYLOCOCCUS AUREUS
Trần Công Duy1, Phạm Dương Lành1, Hoàng Văn Sỹ1
TÓM TẮT :
Mở đầu: Staphylococcus aureus (S. aureus) là một trong những tác nhân chính gây ra viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK). Vi khuẩn này đã được xác định là một yếu tố tiên lượng độc lập đối với các kết cục nặng ở bệnh nhân VNTMNK.
Mục tiêu: (1) Mô tả đặc điểm sử dụng, kết quả điều trị và tác dụng phụ của vancomycin; (2) Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ đáy vancomycin với kết quả điều trị; (3) Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ đáy vancomycin với tổn thương thận cấp ở bệnh nhân VNTMNK do S. aureus.
Đối tượng – Phương pháp: Cắt ngang mô tả, hồi cứu tất cả bệnh nhân VNTMNK do S. aureus nhập bệnh viện Chợ Rẫy từ 01/2015 đến 12/2019.
Kết quả: Trong thời gian 5 năm (2015-2019), 39 bệnh nhân VNTMNK do S. aureus nhập bệnh viện Chợ Rẫy. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 42,9 ± 18,2, tỉ lệ nam/nữ là 1,2/1. Tỉ lệ bệnh nhân được điều trị vancomycin là 87,1%. Liều lượng vancomycin được khởi trị ở 88,2% bệnh nhân là 1 gram mỗi 12 giờ. 73,5% bệnh nhân được xét nghiệm nồng độ đáy vancomycin, trong đó 52,0% bệnh nhân có nồng độ ≥ 15 mg/L. Các tác dụng phụ của vancomycin là tổn thương thận cấp (14,7%), giảm bạch cầu (11,8%) và dị ứng (2,9%). Kết quả điều trị thành công đạt được ở 35,3% bệnh nhân sử dụng vancomycin. Mối liên quan giữa nồng độ đáy vancomycin với kết quả điều trị và tổn thương thận cấp chưa có ý nghĩa thống kê.
Kết luận: Tất cả vi khuẩn S. aureus định danh trong nghiên cứu này nhạy với vancomycin. Việc sử dụng vancomycin cần được tối ưu hóa để cải thiện kết cục điều trị ở bệnh nhân VNMTNK do S. aureus.
Ngày nay, mặc dù y khoa đã và đang đạt được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng một số bệnh lý vẫn còn gây nhiều biến chứng và có tử suất cao, làm tiêu tốn nhiều chi phí y tế và giảm sức lao động của xã hội. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) là một ví dụ cho nhận định đó. Tỉ lệ mới mắc VNTMNK thay đổi từ 1,6-6 trường hợp/100.000 người-năm tùy quốc gia(1). Qua khảo sát tại khoa Nội Tim Mạch của bệnh viện Chợ Rẫy, Trần Công Duy phát hiện tỉ lệ tử vong hoặc nặng xin về ở các bệnh nhân VNTMNK trong 10 năm (2000-2009) là 25,33%(2). Staphylococcus aureus là một trong những tác nhân chính gây ra các trường hợp VNTMNK. S.aureus đã được xác định là một yếu tố tiên lượng độc lập đối với kết cục nặng trong VNTMNK. Vancomycin là thuốc điều trị chuẩn ở các bệnh nhân VNTMNK do S.aureus trên van tự nhiên trong trường hợp dị ứng với penicillin, kháng methicillin hoặc phối hợp với thuốc kháng sinh gentamicin và rifampicin đối với VNTMNK trên van nhân tạo(1). Nồng độ đáy vancomycin huyết thanh là phương pháp chính xác và thực tế nhất được khuyến cáo theo dõi hiệu quả điều trị vancomycin. Ở bệnh nhân VNTMNK, mục tiêu nồng độ đáy vancomycin huyết thanh là 15-20 mg/L, trong đó nồng độ ≥15 mg/L đảm bảo hiệu quả diệt khuẩn nhưng ≥20 mg/L có thể tăng nguy cơ độc tính trên thận(3).