KHẢO SÁT TÌNH TRẠNG TĂNG ACID URIC MÁU Ở NGƯỜI TRÊN 30 TUỔI ĐẾN KHÁM TẠI KHOA KHÁM CHỮA BỆNH THEO YÊU CẦU BỆNH VIỆN BẠCH MAI
KHẢO SÁT TÌNH TRẠNG TĂNG ACID URIC MÁU Ở NGƯỜI TRÊN 30 TUỔI ĐẾN KHÁM TẠI KHOA KHÁM CHỮA BỆNH THEO YÊU CẦU BỆNH VIỆN BẠCH MAI TỪ THÁNG 3 ĐẾN THÁNG 4 NĂM 2015.Hiện nay, tăng acid uric máu đang trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến. Trong bệnh lý Gout, tỷ lệ bệnh nhân có tăng acid uric máu đạt từ 68,9% đến 81,7% [1],[2]. Còn trong cộng đồng, tỷ lệ người có tăng acid uric máu cũng đạt từ 2,6% đến 47,2% trong các quần thể dân chúng khác nhau [3].Tình trạng tăng acid uric máu kéo dài làm tăng sự lắng đọng acid uric tại các tổ chức trong cơ thể gây tăng nguy cơ mắc Gout, sỏi thận và phát triển hạt tophy dưới da [3].
Bên cạnh đó, tăng acid uric máu còn là yếu tố nguy cơ độc lập gây nên nhiều bệnh lý khác. Các nghiên cứu dịch tễ trước đây đã chứng minh sự tăng acid uric máu gắn liền với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch và bệnh thận mạn tính. Năm 1999, Johnson R. J. và cộng sự đã chỉ ra có sự liên quan hai chiều giữa việc mắc bệnh tăng huyết áp và tình trạng tăng acid uric máu khi nghiên cứu trên 596 người Mỹ [4]. Đồng tình với kết quả trên còn có Shankar A. và cộng sự sau một nghiên cứu tiến hành trên các bệnh nhân tăng huyết áp ở Mỹ năm 2006 [5]. Năm 2000, trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học JAMA, Fang J. và cộng sự đã đưa ra kết luận: tình trạng tăng acid uric máu làm tăng nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch [6]. Sau đó 8 năm, năm 2008, Feig D. I. đã đưa ra kết luận tăng acid uric làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch trong kết quả nghiên cứu của mình [7]. Năm 2010, Alan F. W. và cộng sự đã đưa ra nghi vấn về mối liên quan giữa tình trạng tăng acid uric máu và các bệnh lý về thận [8]. Trong năm 2011, Iwao O. đã đưa ra kết luận tăng acid uric là yếu tố nguy cơ gây bệnh suy thận mạn và một số bệnh lý về sỏi thận trong nghiên cứu của mình đăng trên tạp chí NN&NA [9]. 5
Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra răng tăng acid uric máu còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý động mạch ngoại vi, đái tháo đường type 2 và một số bệnh lý về rối loạn chuyển hóa khác. Năm 2008, Nieto F. J. và cộng sự đã chứng minh nồng độ acid uric máu cao liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc bệnh động mạch ngoại vi [10]. Về mối liên quan giữa tăng acid uric máu và tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng minh, ví dụ như nghiên cứu của Deghan A. và cộng sự năm 2008 [11], nghiên cứu của Chien K. L. và cộng sự trên cộng đồng người Trung Quốc (2008) [12]. Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2007, Choi H. K. và cộng sự đã chỉ ra có sự tăng tỷ lệ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân Gout [13]. Sau đó 2 năm, năm 2009,Oda E. và cộng sự đã chứng minh có mối tương quan đồng biến giữa tăng acid uric máu và tỷ lệ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa trên cộng đồng người Nhật [14]. Cuối cùng, vào năm 2010, Fraile J. và cộng sự đã đưa ra kết luận tăng acid uric máu là một trong những nguyên nhân gây nên các rối loạn chuyển hóa ở người trưởng thành [15].
Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về tỷ lệ tăng acid uric máu trên các quần thể khác nhau trong thời gian gần đây. Sớm nhất, vào năm 2002, Nguyễn Vĩnh Ngọc và Nguyễn Thị Ngọc Lan trong nghiên cứu trên bệnh nhân Gout tại khoa Cơ Xương Khớp bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra sự tăng acid uric máu ở nhóm đối tượng này là có ý nghĩa thống kê [16]. Năm 2014, Đinh Thị Thu Hương đã kết luận tỷ lệ tăng acid uric máu đạt tới 22% trên quần thể bệnh nhân đái tháo đường type 2 có hội chứng chuyển hóa điều trị tại bệnh viện Lão khoa Trung ương [17]. Cùng năm đó, trong luận án tiến sĩ của mình, Phạm Thị Dung đã kết luận tình trạng tăng acid uric máu đạt 9,2% trong cộng đồng người 30 tuổi trở lên ở khu vực nông thôn tỉnh Thái Bình [18]. 6
Theo thống kê, mỗi ngày bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2500 – 3000 bệnh nhân đến khám và phần lớn trong số đó là bệnh nhân trung và cao tuổi [19]. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào khảo sát tỷ lệ tăng acid uric máu trên đối tượng là người đến khám sức khỏe tại bệnh viện Bạch Mai. Nghiên cứu này, nếu được tiến hành, sẽ có ý nghĩa giúp các thầy thuốc lâm sàng có được cơ sở để đưa ra quyết định về dự phòng hậu quả của tăng acid uric máu, cũng như khả năng phát hiện sớm bệnh Gout và bệnh lý khác có liên quanở bệnh nhân có tăng acid uric máu.
Vì vậy, được sự cho phép của trường Đại học Y Hà Nội, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Khảo sát tình trạng tăng acid uric máu ở người trên 30 tuổi đến khám tại bệnh viện Bạch Mai” với hai mục tiêu sau:
1. Khảo sát tình trạng tăng acid uric máu ở người trên 30 tuổi đến khám sức khỏe tại khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu bệnh viện Bạch Mai.
2. Xác định một số yếu tố lâm sàng và cận lâm sàng có liên quan đếntình trạng tăng acid uric máu ở nhóm đối tượng nghiên cứu