KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ THỰC HÀNH CỦA PHỤ NỮ MANG THAI VỀ DỰ PHÒNG DỊ TẬT BẨM SINH TẠI HUYỆN KRÔNG BÚK TỈNH ĐẮK LẮK NĂM 2020
KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ THỰC HÀNH CỦA PHỤ NỮ MANG THAI VỀ DỰ PHÒNG DỊ TẬT BẨM SINH TẠI HUYỆN KRÔNG BÚK TỈNH ĐẮK LẮK NĂM 2020
Học viên: Hoàng Thị Thu Hoài
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Thị Thiềng
TS. Dương Minh Đức
Dị tật bẩm sinh ngày càng có xu hướng gia tăng và là một nguyên nhân chính trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Nghiên cứu Kiến thức, thái độ và thực hành của phụ nữ mang thai về dự phòng dị tật bẩm sinh tại huyện Krông Búk tỉnh Đắk Lăk năm 2020 nhằm mô tả và xác định một số yếu tố liên quan tới kiến thức, thái độ và thực hành về dự phòng Dị tật bẩm sinh của phụ nữ mang thai năm 2020.
Nghiên cứu cắt ngang mô tả có phân tích được thực hiện trên 210 phụ nữ mang thai tại 3 xã của huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk năm 2020. Bộ câu hỏi cấu trúc được thiết kế dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình sàng lọc DTBS.
Kiến thức về dự phòng dị tật bẩm sinh ở PNMT đều đạt trên 2/3 số ĐTNC, trong đó nội dung kiến thức có tỷ lệ đạt cao nhất là kiến thức về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (84%). Chỉ 1/4 ĐTNC vẫn chưa có kiến thức đạt về dự phòng DTBS. Tương tự như kiến thức về dự phòng DTBS, PNMT cũng có Thái độ về dự phòng DTBS rất tích cực (90%), trong đó có 2 nội dung được hầu hết (gần 90%) PNMT trả lời tích cực là Thái độ về các biện pháp phòng tránh DTBS và Thái độ về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Khoảng 1/2 PNMT đều có Thực hành về dự phòng DTBS đạt với việc thực hiện các biện pháp dự phòng DTBS trước và trong khi mang thai. Kết quả cũng cho thấy bốn biến nhân khẩu học là Dân tộc, Trình độ học vấn, Nghề nghiệp và Tình trạng kinh tế có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê với kiến thức và thái độ về dự phòng DTBS, trong khi đó 2 biến về Tiền sử sinh đẻ và bệnh tật là tình trạng hôn nhân và số con của PNMT có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với thực hành về DTBS.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động truyền thông và các chiến dịch cần được đẩy mạnh giúp tăng Kiến thức (những yếu tố nguy cơ gây DTBS và biện pháp dự phòng DTBS) và Thực hành về DTBS (sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh) tới PNMT có vị thế xã hội thấp. Đồng thời, NVYT cần theo dõi và quản lý những PNMT để hướng dẫn và khuyến khích họ tham gia sàng lọc DTBS
https://thuvieny.com/kien-thuc-thai-do-va-thuc-hanh-cua-phu-nu-mang-thai-ve-du-phong-di-tat-bam-sinh/