Kiến thức và thái độ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư
Kiến thức và thái độ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư.Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ung thư (UT) đang dần trở thành một “thảm họa thầm lặng” do tốc độ phát triển ngày càng tăng của bệnh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế xã hội của cá nhân, của gia đình và của toàn quốc gia, toàn cầu. Tại Việt Nam, theo ước tính của Chương trình phòng chống UT quốc gia và WHO năm 2010, mỗi năm có thêm 100000 người mới mắc và khoảng 750000-80000 người tử vong do UT. Gánh nặng UT sẽ còn chồng chất hơn không chỉ bởi chi phí đắt đỏ, sức lao động sút giảm đối với người bệnh mà còn ảnh hưởng đến gia đình người bệnh. Trong quá trình đấu tranh chống lại “nỗi sợ” bệnh UT, tự bản thân người bệnh và người nhà (NN) của mình sẽ có nhu cầu tìm kiếm thông tin nhằm biết được mình đang phải đối mặt với “con quái vật” nào. Trên thế giới, hàng loạt nghiên cứu trong lĩnh vực y tế đã được tiến hành nhằm làm rõ thái độ cũng như hành vi thường gặp của bệnh nhân (BN) và người nhà (NN) bệnh nhân trong việc tìm kiếm thông tin. Theo các tác giả Rees & Bath (2000), khi bắt đầu điều trị UT, một vấn đề hết sức quan trọng là cung cấp thông tin một cách thích hợp cho người bệnh và thân nhân. Việc cung cấp thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lo lắng, làm cho việc điều chỉnh bản thân và thích nghi với bệnh UT trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy nhu cầu thông tin thật sự cao và vẫn chưa được đáp ứng và các nhân viên y tế vẫn được coi là nguồn thông tin quan trọng nhất [19], [20].
Các quan điểm và việc cung cấp thông tin trong thực tế thực hành lâm sàng hết sức đa dạng và thậm chí là trái ngược nhau tùy theo vào các nền văn hóa khác nhau cũng như là các vai trò khác nhau trong gia đình trong quá trình cung cấp và tìm kiếm thông tin cho bệnh nhân UT. Nền văn hóa có ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng của bệnh nhân và tác động vào mối quan hệ bệnh nhân-thầy thuốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu về giao tiếp giữa bệnh nhân và gia đình về chẩn đoán và tiên lượng của bệnh UT ở các nước đang phát triển vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt ở Việt Nam, nơi mà nhiều nhu cầu của bệnh nhân UT trong đó có nhu cầu giao tiếp và cung cấp thông tin vẫn chưa được đáp ứng. Khảo sát của tác giả Cam Ngọc Thúy năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy nhu cầu cung cấp thông tin là rất cao (trên 95%). Trên 90% bệnh nhân trong nghiên cứu đều muốn biết thông tin về chẩn đoán và điều trị, đa phần muốn tự quyết định điều trị và muốn nhận thông tin dù đó là thông tin xấu, ngược lại thì thân nhân có xu hướng giấu bệnh nhân về chẩn đoán, điều trị, muốn tự thân nhân quyết điều trị và đặc biệt là không cho bệnh nhân biết khi tiên lượng xấu [10]. Khái niệm “thông báo tin xấu” là cực kỳ phổ biến trên thế giới trong vài thập kỷ gần đây tuy nhiên vẫn chưa được phổ biến rộng trong thực hành chăm sóc điều trị bệnh UT tại Việt Nam. Cho dù có nhiều hướng dẫn và khuyến nghị về thực hành “thông báo tin xấu” nhưng thực tế vẫn còn một tỷ lệ khá cao những bệnh nhân UT và người nhà vẫn phải nhận những thông tin không thích hợp về tình trạng bệnh tật và các vấn đề liên quan. Chưa có nghiên cứu về vấn đề này được tiến hành ở miền Bắc.
Có một thực tế phổ biến là khi nhắc đến việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư thì chúng ta nghĩ ngay đến bác sỹ trong khi người có thời gian tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà của họ nhiều nhất là điều dưỡng. Vai trò của điều dưỡng trong vấn đề này vẫn còn chưa được xem xét đúng mức ở Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi tiến hành khảo sát “Kiến thức và thái độ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư” nhằm hai mục tiêu sau:
1) Đánh giá kiến thức của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về bệnh ung thư
2) Nhận xét thái độ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư