KIẾN THỨC VÀ THỰC HÀNH PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN TRUYỀN QUA ĐẤT CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC CHÍNH TẠI NHÀ CHO HỌC SINH HAI TRƯỜNG TIỂU HỌC CỦA THÀNH PHỐ KAYSONE PHOMVIHANE, LÀO NĂM 2020
KIẾN THỨC VÀ THỰC HÀNH PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN TRUYỀN QUA ĐẤT CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC CHÍNH TẠI NHÀ CHO HỌC SINH HAI TRƯỜNG TIỂU HỌC CỦA THÀNH PHỐ KAYSONE PHOMVIHANE, LÀO NĂM 2020
Học viên: Kingmany Ouansisouk
Giáo viên hướng dẫn: TS. Dương Hồng Quân
Nghiên cứu được thực hiện trên 300 người chăm sóc chính (NCSC) của học sinh tiểu học tại trường tiểu học Na Xeng và Sa Mak Khi nhằm tìm hiểu kiến thức và thực hành phòng bệnh giun truyền qua đất và các yếu tố liên quan. Sử dụng nghiên cứu cắt ngang có phân tích và phương pháp chọn mẫu toàn bộ tại hai trường tiểu học này.
Kết quả cho thấy, về kiến thức có 41% NCSC có kiến thức đạt về bệnh giun truyền qua đất, cụ thể, trường Sa Mak Khi có tỷ lệ đạt cao hơn so với trường Na Xeng (42,7% so với 39,3%). Về thực hành, chỉ có 36,3% NCSC có thực hành đạt về phòng bệnh giun truyền qua đất trong đó, trường Sa Mak Khi có kết quả đạt cao hơn nhiều so với trường Na Xeng (44,7% so với 28%).
Về kiến thức, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở các đối tượng NCSC đã tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên đều có kiến thức về phòng bệnh giun truyền qua đất cao hơn gấp 3,649 lần so với nhóm NCSC tốt nghiệp trung học cơ sở trở xuống (95%CI: 1,851 – 7,193, p<0,001). NCSC đã từng sử dụng thuốc tẩy giun và đã được phổ biến về bệnh giun truyền qua đất trên các phương tiện truyền thông đại chúng có kiến thức cao lần lượt gấp 3,195 lần (95%CI: 1,652 – 6,18 và p=0,001) và 3,531 lần (95%CI: 2,08 – 5,994 và p<0,001) so với nhóm chưa từng tẩy giun và chưa được nhận các thông tin truyền thông. Về thực hành, tương tự như các yếu tố liên quan đến kiến thức, ở các đối tượng NCSC đã từng được sử dụng thuốc tẩy giun và đã từng được phổ biến về bệnh giun truyền qua đất trên các phương tiện truyền thông đại chúng có tỷ lệ thực hành đạt cao lần lượt gấp 2,353 lần (95%CI: 1,225 – 4,519 và p=0,01) và 2,75 lần (95%CI: 1,608 – 4,703 và p<0,001) so với nhóm ngược lại.
Do kiến thức và thực hành kém được quan sát trong nghiên cứu này nêu bật những thiếu sót lớn trong các chiến lược hiện tại để kiểm soát bệnh giun truyền qua đất. Do đó, để cải thiện kiểm soát bệnh này ở cộng đồng, cần có sự tham gia của các bên liên quan trong cộng đồng trong việc phát triển và cung cấp các chương trình nâng cao kiến thức và thực hành, giải quyết các quan niệm sai lầm về bệnh giun truyền qua đất thông qua nhiều kênh khác nhau, nhưng cần phát triển nguồn kênh thông tin từ nhân viên Y tế và trường học. Chương trình phát thuốc tẩy giun cho học sinh tiểu học cần thực hiện kết hợp các chương trình truyền thông sức khoẻ cho học sinh và người chăm sóc trực tiếp học sinh tại gia đình.