Kiến thức và thực hành về dự phòng hen phế quản của người chăm sóc trẻ mắc hen tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Luận văn thạc sĩ y học Kiến thức và thực hành về dự phòng hen phế quản của người chăm sóc trẻ mắc hen tại Bệnh viện Nhi Trung ương.Hen phế quản (HPQ) gọi tắt là hen, là tình trạng viêm mạn tính đường thở kết hợp với tăng phản ứng của đường dẫn khí. Cơn hen cấp là nguyên nhân chủ yếu khiến người bệnh phải nhập viện, đặc biệt là trẻ em. Hen gặp ở mọi lứa tuổi, diễn biến lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hen trở thành gánh nặng bệnh tật cho gia đình, y tế và xã hội.
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc hen, chiếm 6-8% ở người lớn và 10-12% trẻ ở lứa tuổi học đường [1], [2]. Ước tính vào năm 2025 sẽ có 400 triệu người trên thế giới mắc hen. Ở Việt nam, chưa có số liệu chính xác về số người mắc và tử vong do hen, theo Nguyễn Năng An ước tính khoảng 4 triệu người mắc hen và khoảng 3000 người tử vong mỗi năm.
Từ năm 1992 “Chiến lược toàn cầu về phòng chống hen” (GINA) đã được hình thành và được cập nhập liên tục hàng năm để tăng cường kiểm soát, điều trị và dự phòng hen. Những phương pháp dự phòng hen có hiệu quả, an toàn và thuận tiện đã làm giảm tỷ lệ hen nặng cũng như giảm chi phí cho điều trị cơn hen cấp, đưa người bệnh trở lại cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường.
Mặc dù hen là bệnh viêm mãn tính đường thở nhưng đa số người bệnh có thể chung sống thoải mái với bệnh hen. Vài năm gần đây thông tin về bệnh hen được cập nhật liên tục và phổ biến rộng rãi trên báo, đài, vô tuyến truyền hình và các trang mạng xã hội. Công nghệ thông tin phát triển giúp trao đổi thông tin giữa thầy thuốc và bệnh nhân được nhanh chóng [3]. Đối tượng được tư vấn về hen phế quản không chỉ là những bệnh nhân hen, người có nguy cơ mắc hen, gia đình, người chăm sóc người bệnh hen mà gồm cả những người quan tâm đến hen và những thành viên trong cộng đồng mà người bệnh hen sinh sống. Tư vấn giáo dục hen phế quản được đánh giá là loại hình can thiệp có chi phí thấp nhưng lại có hiệu quả cao trong phòng chống hen [4]. Cần nhớ rằng thầy thuốc chỉ được cho người bệnh dùng thuốc chữa hen khi người bệnh đã được tư vấn kĩ về bệnh hen. Tại Việt Nam, mới đây trong nghiên cứu trên người bệnh về các thông tin liên quan đến điều trị và kiểm soát hen thì chỉ có 29.1% người có điều trị dự phòng hen và 57.9% trường hợp chưa dùng thuốc dự phòng hen nào [5]. Đây thực sự là con số đáng báo động với công tác dự phòng HPQ nói riêng và công tác dự phòng y tế nói chAung.Và thực tế hiện nay vẫn còn một số lượng bệnh nhân nhi vẫn phải nhập viện, nguyên nhân là do sự hiểu biết để phòng bệnh của người chăm sóc còn chưa đúng và chưa đầy đủ. Vì vậy từ việc tìm hiểu thông tin về phòng bệnh đến việc có kiến thức đúng để nhận biết các dấu hiệu lên cơn hen, các yếu tố gây hen, làm bùng phát cơn hen và cách sử dụng thuốc cắt cơn và dự phòng hen là rất quan trọng. Trước thực trạng này chúng tôi tiến hành đề tài: “Kiến thức và thực hành về dự phòng hen phế quản của người chăm sóc trẻ mắc hen tại Bệnh viện Nhi Trung ương” với mục tiêu cụ thể như sau:
1. Mô tả kiến thức và thực hành về dự phòng hen phế quản của người chăm sóc trẻ mắc hen tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến kiến thức và thực hành về dự phòng hen phế quản của người chăm sóc trẻ mắc hen.