Kiến thức về quản lý chất thải rắn của nhân viên y tế tại ba Bệnh viện tại Hà Nội năm 2018
Kiến thức về quản lý chất thải rắn của nhân viên y tế tại ba Bệnh viện tại Hà Nội năm 2018
Chu Văn Thăng, Lê Thị Hoàn, Lê Vũ Thuý Hương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành năm 2018 tại 3 bệnh viện tại Hà Nội: bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh viện Đa khoa Thường Tín và bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đại diện cho bệnh viện hạng I, hạng II và bệnh viện tư nhân. Nghiên cứu nhằm mô tả và so sánh kiến thức về quản lý chất thải rắn y tế của cán bộ y tế theo thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT. Có 375 cán bộ y tế đã trả lời phiếu phỏng vấn tự điền về các kiến thức liên quan đến phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế. Trong đó bệnh viện Đa khoa Đức Giang đạt tỷ lệ cao nhất về kiến thức chung (91,5%) và sau đó là bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Bệnh viện Đa khoa Thường Tín có tỷ lệ nhân viên đạt yêu cầu về kiến thức là thấp nhất trong 03 bệnh viện. Tuy nhiên kiến thức về xử lý rác thải rắn y tế còn hạn chế. Cán bộ y tế được tập huấn và biết về thông tư 58 có kiến thức tốt hơn. Vì vậy, 03 bệnh viện cần cập nhật và hướng dẫn cán bộ y tế thực hành phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn y tế theo đúng thông tư 58 và các quy định khác của pháp luật.
Quản lý chất thải y tế hiện nay đang là một trong những vấn đề lớn của nền y học hiện đại. Chất thải y tế (CTYT) là chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế, bao gồm chất thải nguy hại và chất thải thông thường.1 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tổng lượng chất thải y tế thì phần lớn là chất thải y tế không nguy hại (khoảng 75% – 90%), còn lại là chất thải nguy hại. Trong đó có khoảng 5% là chất thải độc hại và 10% là chất thải có khả năng lây nhiễm.2 Chất thải y tế nếu không được quản lý và xử lý kịp thời sẽ là nguồn lây nhiễm dịch bệnh lớn, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người cũng như môi trường sinh thái. Trong đó số lượng lớn là chất thải rắn y tế (CTRYT), lượng chất thải này phát sinh với khối lượng ngày càng lớn ở hầu hết các bệnh viện. Vì vậy, việc quản lý chất thải rắn y tế hiện nay là một vấn đề lớn, cần được quan tâm đúng mức tại các bệnh viện để đảm bảo sức khoẻ của bác sỹ, nhân viên y tế, người bệnh, cộng đồng và môi trường.3Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân gây nên sự thất bại trong quản lý chất thải y tế như: thiếu nhận thức về các mối nguy hiểm sức khoẻ liên quan đến chất thải y tế, đào tạo không đầy đủ về quản lý chất thải, không có hệ thống quản lý và xử lý chất thải, không đủ tài chính và nhân lực, ưu tiên thấp cho chủ đề này; trong đó 1 vấn đề phổ biến nhất là kiến thức và thực hành trong quản lý, xử lý, thu gom, phân loại chất thải y tế của nhân viên y tế còn hạn chế.4Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 06 tháng đầu năm 2018, mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phát sinh 26.531kg chất thải rắn y tế/ngày, trong đó có 7.457kg là chất thải nguy hại và 19.075kg chất thải thông thường.5 Vì vậy, mỗi nhân viên y tế cần có kiến thức về việc quản lý chất thải rắn y tế để góp phần phòng tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và môi trường.
Kiến thức về quản lý chất thải rắn của nhân viên y tế tại ba Bệnh viện tại Hà Nội năm 2018