Lâm sàng rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt
Lâm sàng rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt
Dương Minh Tâm, Trần Nguyễn Ngọc
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu của chúng tôi với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt ở người bệnh khám và điều trị nội trú tại Viện Sức khoẻ Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn 2019 – 2020. Bằng phương pháp mô tả cắt ngang ở 43 người bệnh điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia, Bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán xác định rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.0) theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ICD 10. Kết quả: Sau khi nghiên cứu 43 người bệnh rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triêu chứng của tâm thần phân liệt, chúng tôi nhận thấy nhóm tuổi thường gặp 25 – 34 (32,6%) và 35 – 44 (30,2%). Tuổi trung bình là 34,19 ± 10,1. Rối loạn này gặp nhiều ở nữ giới hơn nam giới (53,5% so với 46,5%). Có 36,2% người bệnh có kết hợp stress. Trong số đó, nội dung stress gặp nhiều nhất là về công việc (37,4%). Có tới 95,3% người bệnh có triệu chứng hoang tưởng và chủ yếu là hoang tưởng bị hại (90,2%), tiếp đó đến hoang tưởng bị theo dõi (60,9%). Có 65,1% người bệnh có ảo giác. Hầu hết người bệnh có ảo giác thính giác (96,4%). Có 3 trường hợp có ảo giác thị giác. Ảo giác xúc giác, ảo giác vị giác và ảo giác khứu giác không thấy xuất hiện ở người bệnh rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt.
Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời (F23) là một rối tâm thần thường gặp trên lâm sàng. Theo hệ thống chẩn đoán và phân loại các rối loạn tâm thần của Mỹ lần thứ 5 (DSM – 5), tỷ lệ rối loạn loạn thần cấp này chiếm 9% trong các rối loạn loạn thần đầu tiên.1 Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng hơn 50% người bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời tiến triển thành các rối loạn tâm thần mạn tính như tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn hoang tưởng dai dẳng, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và có một tỷ lệ sẽ tái phát đợt loạn thần cấp tương tự.2-4 Rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.0) là một rối loạn thường gặp trong rối loạn loạn thần cấp và nhất thời. Theo nghiên cứu của Marneros A. và cộng sự (2003) tỉ lệ F23.0 trong nhóm F23 là 33,3%, còn theo nghiên cứu của Jorgensen P. và cộng sự (1997) tỉ lệ này lên đến 54,9%.5,6Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Chiến (2008) cho biết nhóm người bệnh được chẩn đoán F23.0 chiếm 30,0%, cao hơn so với các mã còn lại trong nhóm.7 Rối loạn loạn thần cấp đa dạng không có triệu chứng của tâm thần phân liệt thường khởi phát đột ngột trong vòng 2 tuần hoặc ít hơn. Biểu hiện lâm sàng đa dạng và biến thiên liên tục không có quy luật. Các triệu chứng nổi bật là các hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn hành vi tác phong
Nguồn: https://luanvanyhoc.com