Luyện Tâm: dưỡng sinh tức dưỡng tâm
Bàn về dưỡng sinh
Đã là con người thì luôn luôn có mong muốn được sống khoẻ mạnh, vui vẻ, hạnh phúc trong suốt thời gian tồn tại trên đời của mình. Tất nhiên, cũng giống như mọi loài trên trái đất con người không thể tồn tại mãi mãi với cơ thể khoẻ mạnh, tươi mới, dẻo dai mà sẽ phải mắc bệnh, có những rối loạn, lão hoá.v.v… từ xa xưa con người đã chú ý đến cách dưỡng sinh tức là phương pháp để sống đủ tuổi thọ mà trời đất đã ấn định cho mình một cách khoẻ mạnh và vui vẻ nhất. Nội dung phương pháp dưỡng sinh rất đa dạng, phong phú tuỳ vào hoàn cảnh, văn hoá, kinh nghiệm, vùng miền, tín ngưỡng, phong tục tập quán mà có sự khác nhau ít nhiều. Dương sinh bao gồm các lĩnh vực lớn sau:
* Ẩm thực dưỡng sinh: bàn về cách ăn uống, nấu ăn, lựa chọn thực phẩm, chế biến thực phẩm, cách tẩm ướp, phối hợp gia vị, món ăn bài thuốc, thực phẩm kị nhau…
* Thể dục dưỡng sinh: bàn về các phương pháp tập luyện, kĩ thuật tập luyện, thói quen tập luyện sao cho phù hợp giữa cơ thể, trời đất, thời tiết, khí hậu
* Khí công dưỡng sinh: còn gọi là phép đạo dẫn bàn về cách dùng Ý dẫn Khí, dùng Khí vận Thân sao cho kinh mạch lưu thông, thân tâm hoà hợp,
* Thiền dưỡng sinh: bàn về cách hoá giải những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí để giúp Tâm trở về với Tâm của trẻ thơ, thật hồn nhiên, trong lành, định tĩnh
* Thói quen dưỡng sinh: bàn về những thói quen tốt cần làm đều đặn và những việc cần phải kiêng kị nhằm tránh đưa cơ thể lún sâu vào tình trạng không tốt với sức khoẻ. Con người nhiễm thói quen xấu giống như con ếch ngồi trong xong nước đặt trên bếp lửa, nước sẽ nóng dần lên và đến khi con ếch bị “luộc chín” mà nó cũng không hề hay biết.
Những bậc Thầy y học xưa đã hiểu rất rõ ý nghĩa của việc dưỡng sinh vì thế đã nói:
Thánh nhân trị bệnh khi chưa có bệnh, không để bệnh phát ra rồi mới chữa, trị loạn khi chưa có loạn, không đợi có loạn rồi mới dẹp.
Phàm sau khi bệnh đã thành rồi mới dùng thuốc, loạn đã thành rồi mới lo dẹp, cũng ví như khi khát mới đào giếng, khi chiến đấu mới đúc binh khí, thì chẳng muộn lắm sao!
Những lời dạy giữ gìn sức khoẻ – dưỡng sinh là dưỡng tâm
Những lời dạy của các bậc Thầy sau hàng nghìn năm vẫn còn giữ nguyên giá trị dưỡng sinh và nâng cao sức khoẻ. Nếu bạn có thể đọc tỉ mỉ và ngầm nghĩ về những lời khuyên này, đem so sánh nó với những thói quen của thời đại này thì thấy chúng ta đã “đi quá xa” so với những lời dạy đúng đắn này. Không còn cách nào khác là từ từ điều chỉnh những gì còn chưa hợp lý, tái tạo dần cơ thể và tâm trí của chính mình. Hãy đọc và cảm nhận những lời dạy tuyệt vời bên dưới;
- Bỏ giận giữ để nuôi dưỡng tinh, ít lo nghĩ để nuôi dưỡng thần, bớt nói năng để nuôi dưỡng khí, chặn ham muốn để nuôi dưỡng tâm
- Nhìn lâu thì hại mắt tổn huyết, ngồi lâu thì hại tỳ tổn thịt, đứng lâu thì hại thận tổn xương, nằm lâu thì hại phế tổn khí
- Lòng yêu thương gì cũng đừng nên quá yêu, lòng có ghét bỏ thì cũng đừng nên quá ghét. Mùa xuân hạ nên dậy sớm, mùa thu đông nên ngủ sớm. Ngủ muộn đừng quá lúc rạng đông, dậy sớm đừng trước khi gà gáy
- Muốn nuôi dưỡng thân thể thì nên nuôi dưỡng tỳ vị trước
- Muốn nuôi dưỡng tỳ vị thì phải nuôi dưỡng tâm trước
- Muốn nuôi dưỡng tâm thì phải nuôi dưỡng thần trước
- Muốn nuôi dưỡng thần thì phải nuôi dưỡng khí trước
- Muốn nuôi dưỡng khí thì phải nuôi dưỡng tinh trước
- Muốn nuôi dưỡng tinh thì hpari nuôi dưỡng trí trước
- Muốn nuôi dưỡng trí thì phải biết quý thân mình
- Tinh, khí, thần là ba của quý ở trong. Tai, mắt, miệng là ba của quý ở ngoài. Làm thế nào cho ba của quý ở trong thường không đuổi theo vật chất ở ngoài mà trôi mất, và ba của quý ở ngoài thường không dụ dỗ cái ở trong mà quấy nhiễu
- Bữa cơm chiều bớt ăn đi vài miếng thì cốc khí dễ tiêu, tỳ vị được khoan khoái, khí tự nhiên được điều hoà
- Trong phòng ít tình dục, thận thuỷ dồi dào, tinh tự nhiên được ngưng tụ. Thần yên ổn, khí điều hoà, tinh ngưng tụ, 3 của quý trong thân mình đều đầy đủ, thế là giữ trọn đạo dưỡng sinh
- Không tắm gội trong luồng gió, rất cần kiêng phong tà
- Ăn no chớ gội đầu, sợ sinh chứng phong, mồ hôi đương ra nhiều thì chớ vội cởi áo; đương say rượu, đừng bảo quạt
- Tối đi ngủ cần rửa chân, đêm ngủ không nên để đèn sáng. Đã sáng ngày thì không nên ngủ nữa.
- Nước bọt không nên nhổ đi (vì nước miếng dư dật là lễ tuyền (suối ngọt), tụ lại là hoa trì (chỗ tiết ra nước bọt trên vòm mồm) tan ra là tân dịch, đi xuống là cam lộ (sương giọt) tưới các tạng nhần thân thể, khai thông các mạch máu, biến hoá nuôi dưỡng thần sắc làm cho thân thể tay chân, lông tóc bóng mượt vững chắc
- Sáng sớm dùng nước ấm rửa mặt, lấy muối trắng xát răng sẽ không bệnh đau răng