Maloxid
Thuốc Maloxid có dạng viên nhai hoặc hỗn dịch uống thường được dùng trong điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày, giảm bớt các triệu chứng bỏng rát do dư thừa axit dịch vị.
Maloxid là biệt dược do Công ty cổ phần hóa – dược phẩm Mekophar (Việt Nam) sản xuất, thuộc nhóm thuốc tiêu hóa. Để tìm hiểu rõ thêm về các dạng thuốc và những thông tin cần biết trước khi sử dụng, mời bạn đọc tiếp bài viết dưới đây.
Dạng bào chế
Thuốc Maloxid có những dạng và hàm lượng nào?
Các dạng biệt dược Maloxid có mặt trên thị trường hiện nay gồm
- Magnesium trisilicat khan – 400mg
- Aluminium hydroxide hay nhôm hydroxyd (gel khô) – 300mg.
- Maloxid Plus – Viên nhai với thành phần hoạt chất:
- Aluminium hydroxide – 200mg
- Magnesium hydroxide – 200mg
- Simeticon – 25mg.
- Maloxid P gel – Hỗn dịch uống với thành phần chính:
- 20% gel aluminium phosphate – 12,38g.
Tác dụng
Thuốc Maloxid là thuốc gì và có tác dụng gì?
Maloxid thuộc nhóm thuốc tiêu hóa, chủ yếu dùng trong điều trị viêm loét dạ dày, ợ chua, thừa axit dịch vị… Tùy theo từng dạng bào chế và sự thay đổi trong thành phần hoạt chất mà mỗi thuốc có những ưu điểm riêng.
Maloxid 400mg – Viên nhai
Maloxid viên nhai với aluminium hydroxide (nhôm hydroxyd) và magnesium trisilicate sẽ ức chế tác dụng của men pepsin nhờ tăng pH dịch dạ dày. Điều này có tác động rất quan trọng đối với người viêm loét dạ dày. Sự kết hợp của hai hoạt chất này còn làm giảm tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc.
Thuốc Maloxid tác dụng gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp:
- Điều trị viêm dạ dày, ợ chua, thừa axit dịch vị
- Phối hợp trong điều trị loét dạ dày – tá tràng.
Maloxid Plus – Viên nhai
Maloxid Plus cũng là dạng viên nhai với thành phần hỗn hợp muối nhôm và magie nhưng phối hợp thêm hoạt chất simeticon. Hoạt chất simeticon có tác dụng làm thay đổi sức căng bề mặt của các bóng hơi trong niêm mạc dạ dày, làm xẹp các bóng khí này, giúp tống hơi ra khỏi dạ dày, giảm sình bụng.
Thuốc được chỉ định để:
- Làm giảm các triệu chứng do tăng axit dạ dày: ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu
- Phòng và điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng.
Maloxid P gel – Hỗn dịch uống
Maloxid P gel dạng hỗn dịch uống chứa thành phần aluminium phosphate (nhôm phosphate) được dùng như thuốc kháng axit dạ dày, làm giảm axit dịch vị dư thừa nhưng không gây trung hòa. Dạng gel cũng tạo một màng bảo vệ tựa chất nhầy che phủ diện rộng niêm mạc đường tiêu hóa. Lớp màng bảo vệ này phân tán mịn làm liền nhanh ổ viêm và loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại tác động bên ngoài, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu nhanh chóng. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp:
- Viêm thực quản, viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày – tá tràng, kích ứng dạ dày, các hội chứng thừa axit như rát bỏng, ợ chua, hiện tượng nhiều axit như trong thời kỳ thai nghén.
- Những rối loạn của dạ dày do thuốc, do sai chế độ ăn hoặc sau khi dùng quá nhiều nicotin, cafe, kẹo hoặc thức ăn quá nhiều gia vị.
- Biến chứng của thoát vị cơ hoành, viêm đại tràng (bệnh Crohn).
Liều dùng
Liều dùng thuốc Maloxid là bao nhiêu?
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Với viên nhai Maloxid, liều thường dùng 1-2 viên/lần, ngày 4 lần sau khi ăn 1-2 giờ và trước khi đi ngủ hoặc khi có cơn đau.
Liều dùng của Maloxid P gel thông thường là 1-2 gói/lần, ngày 2-3 lần. Nếu triệu chứng không giảm bớt sau khi dùng 6 gói/ngày thì nên gặp bác sĩ để thăm khám.
Cách dùng
Cách sử dụng thuốc Maloxid như thế nào?
Maloxid dạng viên nhai cần phải nhai kỹ trước khi nuốt. Bạn có thể uống thêm một ít nước kèm theo.
Maloxid uống lúc nào? Dạng gel uống thì nên uống giữa các bữa ăn hoặc khi thấy khó chịu.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Triệu chứng quá liều khi dùng thuốc phối hợp giữa muối nhôm và muối magie bao gồm: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Liều cao có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tắc nghẽn ruột ở những người bệnh có nguy cơ.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Nhôm và magie được đào thải qua đường tiết niệu. Việc điều trị quá liều thuốc Maloxid sẽ bao gồm: tiêm tĩnh mạch calci gluconat, bù nước và tăng cường đào thải qua đường tiết niệu. Trong trường hợp thiếu hụt chức năng thận cần thẩm tách máu hoặc thẩm phân phúc mạc.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Maloxid?
Dùng liều cao và kéo dài các thuốc kháng axit có chứa nhôm sẽ gây cản trở hấp thu phosphat dẫn đến nguy cơ bị loãng xương, xốp xương và ngộ độc nhôm.
Người bị suy chức năng thận có thể xảy ra tình trạng tăng magie huyết khi dùng thuốc.
Người dùng thuốc thỉnh thoảng có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy, buồn nôn, cứng bụng.
Những người ốm nằm liệt giường, người cao tuổi dễ gặp táo bón khi dùng thuốc Maloxid P gel nên khuyến cáo uống nhiều nước hơn.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Những lưu ý khi dùng thuốc Maloxid
Chống chỉ định dùng thuốc cho các đối tượng sau:
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần của thuốc
- Giảm phosphat máu
- Suy chức năng thận nặng (nguy cơ tăng magie huyết)
- Thủng hoặc tắc ruột (đã biết hoặc nghi ngờ)
- Trẻ nhỏ tuổi (nguy cơ tăng magie huyết, ngộ độc nhôm, đặc biệt ở trẻ bị mất nước hoặc suy thận).
Thận trọng khi dùng thuốc cho những người bị suy tim sung huyết, suy thận, phù, xơ gan, chế độ ăn ít natri và người mới bị chảy máu đường tiêu hóa, người bệnh đái tháo đường.
Nếu có các triệu chứng đau kèm sốt hoặc nôn và các triệu chứng không hết sau 7 ngày thì hãy đến gặp bác sĩ để tham khảo ý kiến.
Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, cho con bú
Trong thời kỳ mang thai, các thuốc kháng axit được xem là khá an toàn, tuy nhiên, không dùng thời gian dài với liều cao.
Thuốc cũng có thể dùng ở phụ nữ đang cho con bú.
Tương tác thuốc
Thuốc Maloxid có thể tương tác với những thuốc nào?
Các thuốc có thể xảy ra tương tác với Maloxid khi dùng cùng nhau gồm:
- Tetrcyclin
- Digoxin
- Indomethacin
- Các muối sắt
- Izoniazid
- Alopurinol
- Benzodiazepin
- Corticosteroid
- Penicilamin
- Phenothiazin
- Ranitidine
- Ketoconazol
- Itraconazol
- Levothyroxin.
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Bạn có thể quan tâm:
Bảo quản
Bảo quản thuốc Maloxid như thế nào?
Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30ºC. Không sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng.
Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.
Giá bán
Thuốc Maloxid giá bao nhiêu?
Bạn có thể tham khảo giá bán kê khai của thuốc Maloxid trên Ngân hàng Dữ liệu ngành Dược như sau:
- Maloxid bán lẻ 1.500 VNĐ/viên
- Maloxid Plus bán lẻ 1.200 VNĐ/viên
- Maloxid P gel giá bán 2.500 VNĐ/gói.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn biết cách dùng thuốc để điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Chuyên mục: Thông tin thuốc
Nguồn: hellobacsi.com