MÔ TẢ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG UNG THƯ KHOANG MIỆNG GIAI ĐOẠN III-IVA,B VÀ KIỂM CHUẨN KẾ HOẠCH XẠ TRỊ VMAT TẠI BỆNH VIỆN K
MÔ TẢ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG UNG THƯ KHOANG MIỆNG GIAI ĐOẠN III-IVA,B VÀ KIỂM CHUẨN KẾ HOẠCH XẠ TRỊ VMAT TẠI BỆNH VIỆN K
Văn Đăng Nguyễn 1,2,, Thị Thu Nhung Nguyễn 2, Thị Hằng Nguyễn 2, Văn Quảng Lê 1,2, Văn Tờ Tạ 2
Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhân ung thư khoang miệng giai đoạn III-IVA,B và kiểm chuẩn kế hoạch xạ trị VMAT. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Can thiệp lâm sàng không nhóm chứng ở 46 bệnh nhân được chẩn đoán xác định là ung thư khoang miệng giai đoạn III-IVA,B tại tại Khoa Xạ trị đầu cổ – Bệnh viện K từ tháng 9/2018 đến 6/2022. Kết quả: Tuổi trung bình là 54,83 ± 9,78 tuổi [27-74]. Bệnh nhân nam chiếm 84,8%. Vị trí tổn thương chủ yếu nằm ở bờ lưỡi, chiếm 47,8%, tiếp đến là vùng sàn miệng, chiếm 21,7%. Đau khi nhai và sờ thấy hạch cổ là 2 triệu chứng hay gặp nhất với tỷ lệ lần lượt là 95,7% và 34,8%. Giai đoạn III, IVA, IVB lần lượt là 10,9%, 82,6% và 6,5% . PETCT làm thay đổi giai đoạn ở 17,4% bệnh nhân. Kiểm chuẩn kế hoạch xạ trị: liều vào các thể tích xạ trị và cơ quan nguy cấp đều đạt yêu cầu theo khuyến cáo. Kết luận: Ung thư khoang miệng giai đoạn III-IVA,B thường gặp ở nam giới, tuổi trung niên. Vị trí tổn thương thường gặp nhất là ở bờ lưỡi với triệu chứng lâm sàng phổ biến là đau và sờ thấy hạch cổ. PETCT có vai trò giúp đánh giá chính xác giai đoạn trước điều trị. Kế hoạch xạ trị VMAT đều đạt yêu cầu kiểm chuẩn theo khuyến cáo.
Ung thư biểu mô khoang miệng là bệnh phát sinh do sự biến đổi ác tính niêm mạc phủ toàn bộ khoang miệng. Theo GLOBOCAN 2020, số liệu toàn thế giới ghi nhận nam giới có 264.211 ca ung thư khoang miệng (UTKM) mới mắc chiếm 2,62% và 125.022 ca tử vong chiếm 2,26%. Ở nữ, có 113.502 trường hợp mới mắc chiếm 1,23% và 52.735 trường hợp tử vong, chiếm 1,19%. Hiện nay, UTKM là ung thư xếp thứ 3 trong các ung thư vùng đầu cổ ở Việt Nam. Ung thư khoang miệng gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ nam/nữ rất khác nhau tùy vùng dân cư và có xu hướng thay đổi [1-2].Ung thư khoang miệng biểu hiện bằng nhiều đặc điểm lâm sàng khác nhau và cần phân biệt với các tổn thương lành tính của khoang miệng. Mỗi khối u ác tính vùng khoang miệngđều có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng cho từng vị trí riêng biệt. Khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, biểu hiện thường phong phú. Bệnh nhân có thể có cảm giác đau rát trong khoang miệng, xuất hiện khối u sùi, sưng hoặc loét, kèm theo chảy máu. Ngoài ra bệnh nhân có thể có khít hàm, nhai đau, răng lung lay, sờ thấy hạch cổ. Khám lâm sàng thường dễ dàng phát hiện khối u sùi ở các vị trí trong khoang miệng và xu hướng xâm lấn sang các vùng xung quanh. Chẩn đoán UTKM cần dựa vào thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ, PETCT và đặc biệt chẩn đoán xác định bằng kết quả mô bệnh học [3-4].Hóa xạ trị đồng thời triệt căn là chiến lược điều trị tiêu chuẩn hiện nay cho bệnh nhân ung thư khoang miệng giai đoạn tiến triển (III-IVA,B) không còn khả năng phẫu thuật. Ngày nay, kỹ thuật xạ trị đã có nhiều bước tiến vượt bậc giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu biến chứng [5]. Kỹ thuật xạ trị điều biến liều hình cung theo thể tích (VMAT) là kỹ thuật xạ trị hiện đại, đã bắt đầu được áp dụng để điều trị ung thư khoang miệng tại Bệnh viện K. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ung thư khoang miệng giai đoạn III-IVA,B và kiểm chuẩn kế hoạch xạ trị VMAT tại Bệnh viện K
Nguồn: https://luanvanyhoc.com