Mối liên quan giữa đa hình gen PD-L1 RS4143815 và nồng độ PD-L1 với nhiễm HBV mạn tính
Mối liên quan giữa đa hình gen PD-L1 RS4143815 và nồng độ PD-L1 với nhiễm HBV mạn tính
Phạm Thị Minh Huyền, Đặng Thị Ngọc Dung, Đào Phương Giang, Lê Hữu Song, Ngọ Thị Uyên, Quyền Đăng Tuyên , Nghiêm Xuân Hoàn
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Con đường tín hiệu ức chế điểm kiểm soát miễn dịch PD-1/PD-L1 đóng vai trò quan trọng trong nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá mối liên quan giữa tính đa hình gen PD-L1 rs4143815 và nồng độ PD-L1 đối với nhiễm virus viêm gan B mạn tính và biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính. Đối tượng nghiên cứu bao gồm 127 bệnh nhân viêm gan B mạn tính, 157 bệnh nhân ung thư gan do nhiễm virus viêm gan B và 240 người khỏe mạnh. Xác định kiểu gen PD-L1 rs4143815 bằng kĩ thuật tetra-primer-ARMS và xác định nồng độ PD-L1 bằng phương pháp ELISA. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về tần suất kiểu gen của biến thể rs4143815 giữa nhóm bệnh và nhóm chứng cũng như giữa nhóm viêm gan B mạn tính và ung thư biểu mô tế bào gan. Nồng độ PD-L1 ở nhóm bệnh cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng và có mối liên quan đến tiến triển bệnh và biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B mạn tính
Viêm gan mạn tính do nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) vẫn đang là một vấn đề y tế nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn tính (khoảng 3,5 % dân số toàn cầu) và 780 nghìn người tử vong do các biến chứng của nhiễm HBV như đợt cấp của viêm gan mạn, xơ gan, đặc biệt là ung thư gan.¹ Tại Việt Nam, khoảng 8,8% nữ giới và 12,3% nam giới bị nhiễm viêm gan B mạn tính và hậu quả là tỷ lệ tử vong do các biến chứng của bệnh đang ngày càng gia tăng theo.² Mặc dù nhiều yếu tố ảnh hưởng tới diễn biến lâm sàng và hậu quả của nhiễm HBV, ngày càng nhiều các bằng chứng thuyết phục cho rằng sự suy kiệt chức năng miễn dịch của tế bào T là cơ chế chính dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của HBV trong cơ thể và sự phát triển ung thư gan sau thời gian dài nhiễm HBV.3,4Các nghiên cứu đã cho thấy rằng suy kiệt chức năng miễn dịch của tế bào T gây ra bởi sự biểu hiện quá mức của các phân tử ức chế điểm kiểm soát tín hiệu miễn dịch, trong đó con đường PD-1/PD-L1 (programmed cell death-1/programmed cell death ligand 1) đóng vai trò trung tâm. PD-1 khi gắn với phối tử là PD-L1 có vai trò ức chế sự hoạt hóa, phân chia của tế bào T, là cơ chế quan trọng đối với sự lẩn trốn giám sát miễn dịch của khối u. PD-1 là một protein bề mặt tế bào được biểu hiện ở tế bào lympho T, lympho-B hoạt hóa, NK và đại thực bào. PD-1 được điều khiển tăng ở các tế bào T trong vòng 24 giờ sau khi hoạt hóa có vai trò làm giảm sự loại bỏ kháng nguyên.
Mối liên quan giữa đa hình gen PD-L1 RS4143815 và nồng độ PD-L1 với nhiễm HBV mạn tính