MỐI LIÊN QUAN GIỮA DINH DƯỠNG VỚI CHẬM TĂNG CÂN CỦA TRẺ CÓ CÂN NẶNG LÚC SINH DƯỚI 1250 GRAM TẠI KHOA HỒI SỨC SƠ SINH
MỐI LIÊN QUAN GIỮA DINH DƯỠNG VỚI CHẬM TĂNG CÂN CỦA TRẺ CÓ CÂN NẶNG LÚC SINH DƯỚI 1250 GRAM TẠI KHOA HỒI SỨC SƠ SINH
Phạm Lê Mỹ Hạnh1, Nguyễn Thu Tịnh2
TÓM TẮT :
Mục tiêu: Chậm tăng trưởng của trẻ sinh non khi ở khoa Hồi sức sơ sinh (NICU) có ảnh hưởng đến tiên lượng phát triển thần kinh về sau. Một số đặc điểm dinh dưỡng liên quan tình trạng này. Mục tiêu nhằm xác định mối liên quan giữa dinh dưỡng với chậm tăng cân của trẻ có cân nặng lúc sinh (CNLS) <1250 gram.
Đối tượng – Phương pháp: Nghiên cứu theo dõi dọc trẻ có CNLS < 1250 gram tại khoa Hồi sức sơ sinh (NICU) bệnh viện Nhi đồng 1 từ 01/06/2019 đến 30/04/2020. Cỡ mẫu ước lượng tối thiểu 78 ca. Trẻ được cân đo theo quy định và ghi nhận đặc điểm dinh dưỡng, tốc độ tăng trưởng từ lúc sinh đến 36 tuần tuổi sau kinh chót hoặc xuất khoa. Phân tích hồi quy logistic kiểm định các yếu tố liên quan chậm tăng cân.
Kết quả: 78 trẻ được nghiên cứu với tuổi thai và CNLS trung vị (khoảng tứ phân vị) là 27,8 (26; 29) tuần và 981 (808; 1200) gram. Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy lượng đạm trong 2 tuần đầu có liên quan chậm tăng cân vào 28 ngày kể từ đạt CNLS (OR=0,039, 95% CI: 0,005 – 0,328) và 36 tuần PMA hoặc xuất khoa (OR=0,030, 95% CI: 0,003 – 0,296).
Kết luận: Lượng đạm trong 2 tuần đầu có liên quan chậm tăng cân. Cần nghiên cứu đoàn hệ tiếp theo khẳng định yếu tố nguy cơ chậm tăng trưởng để cải thiện tiên lượng về sau.
Hàng năm, khoa Hồi sức sơ sinh (NICU) bệnh viện Nhi Đồng I nhận trung bình khoảng 500 trẻ sinh non, chiếm 43% tổng số trẻ nhập khoa. Với sự phát triển của thụ tinh trong ống nghiệm và những tiến bộ trong hồi sức sơ sinh, ngày càng nhiều trẻ có cân nặng càng thấp được cứu sống. Vì vậy, chúng ta phải đương đầu với nhiều biến chứng, trong đó chậm tăng trưởng là một trong những biến chứng thường gặp ở trẻ có cân nặng lúc sinh (CNLS) dưới 1250 gram, nhất là trong giai đoạn điều trị ở NICU: 99% trẻ cực nhẹ cân và 97% trẻ rất nhẹ cân có CN dưới bách phân vị thứ 10 (10th) lúc 36 tuần PMA.