MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CHẤT LƯỢNG NƯỚC VÀ TIÊU CHẢY Ở TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI TẠI CÁC QUẬN, HUYỆN CUỐI MẠNG LƯỚI CẤP NƯỚC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BẰNG ỨNG DỤNG GIS
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA CHẤT LƯỢNG NƯỚC VÀ TIÊU CHẢY Ở TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI TẠI CÁC QUẬN, HUYỆN CUỐI MẠNG LƯỚI CẤP NƯỚC Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BẰNG ỨNG DỤNG GIS
Nguyễn Thị Phương Thảo*, Trần Thiện Thuần*, Huỳnh Ngọc Thanh*, Phạm Thị Thùy Anh**
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Việc cung cấp nguồn nước sạch và an toàn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nguồn nước bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường kém sẽ dẫn đến sự lan truyền các dịch bệnh như tả, tiêu chảy. Trong đó, tiêu chảy hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2016. Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước từ mạng lưới cấp nước đến các hộ gia đình sử dụng là rất cần thiết. Có ba chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng nước bao gồm: hàm lượng Clo dư, nồng độ E. coli, nồng độ Coliform là những chỉ tiêu thường biến động trên đường di chuyển nước từ nhà máy đến các hộ gia đình cuối mạng lưới. Bên cạnh đó, hiện nay ứng dụng GIS được sử dụng như công cụ giám sát các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nguồn nước ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Mục tiêu: Xác định mối tương quan giữa hàm lượng Clo dư, nồng độ E. coli và nồng độ Coliform của nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và số ca mắc tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các quận, huyện cuối mạng lưới cấp nước bằng ứng dụng GIS
Đối tượng-Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang, lấy mẫu toàn bộ số liệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tiêu chảy từ tháng 01/2018 đến tháng 11/2018 tại các quận, huyện cuối mạng lưới cấp nước (quận 5, quận 6, quận 7, quận 8, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ). Hàm lượng Clo dư, nồng độ E. coli và Coliform tại các điểm lấy mẫu được nội suy bằng thuật toán IDW của phần mềm ArcMap10.1. Sử dụng hệ số tương quan Pearson để xét mối tương quan giữa các dữ liệu.
Kết quả: Hàm lượng Clo dư trung bình tại các quận, huyện cuối mạng lưới cấp nước nằm trong ngưỡng cho phép là 0,3-0,5 mg/l (QCVN 01:2009/BYT). Nồng độ E. coli và nồng độ Coliform trung bình tại các quận, huyện cuối mạng lưới cấp nước đều vượt ngưỡng cho phép là 0 vi khuẩn/100ml (QCVN 01:2009/BYT). Có mối tương quan thuận, mạnh giữa số ca mắc tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi và nồng độ E. coli. Không có mối tương quan giữa số ca mắc tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi và hàm lượng Clo dư, nồng độ Coliform.
Kết luận: Ứng dụng GIS có thể xác định mối tương quan giữa chất lượng nước và tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các quận, huyện cuối mạng lưới cấp nước. Từ đó, cần ứng dụng GIS trong công tác quản lý chất lượng nước, cập nhật số liệu thường xuyên để giám sát chất lượng nước, tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời các nguồn ô nhiễm trên địa bàn thành phố.
Ngày nay, việc cung cấp nguồn nước sạch và an toàn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nguồn nước bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường kém sẽ dẫn đến sự lan truyền các dịch bệnh như tả, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm gan A, thương hàn và bại liệt(1). Việc đánh giá ô nhiễm do phân là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá chất lượng một khu vực nước và đánh giá rủi ro đối với sức khỏe con người. Kiểm tra mẫu nước về sự tồn tại của vi khuẩn E.coli và vi khuẩn Coliform sẽ cung cấp những chỉ báo cho sự ô nhiễm đó(2). Cụ thể, trong nghiên cứu của Luby SP và cộng sự đã cho thấy trẻ em sống trong các hộ gia đình nơi nước bị nhiễm E. coli thường xuyên có tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn trẻ em sống trong các hộ gia đình nơi nước bị ô nhiễm không thường xuyên(3). Các tác nhân gây bệnh sinh học khác làm ô nhiễm nước uống như coliforms cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.
https://thuvieny.com/moi-tuong-quan-giua-chat-luong-nuoc-va-tieu-chay-o-tre-em-duoi-5-tuoi-tai-cac-quan-huyen/