MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỘT BIẾN EGFR VÀ METHYL HÓA QUÁ MỨC GEN MGMT, MLH1, BRCA1 Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ TẠI BỆNH VIỆN K
MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỘT BIẾN EGFR VÀ METHYL HÓA QUÁ MỨC GEN MGMT, MLH1, BRCA1 Ở BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ TẠI BỆNH VIỆN K
VƯƠNG DIỆU LINH1, NGUYỄN NGỌC QUANG2, TA VĂN TƠ3, NGUYỄN PHI HÙNG4
TÓM TẮT
Mục tiêu: Chất ức chế Tyrosine Kinase (TKIs) như Gefitinib và Erlotinib mang lại hiệu quả điều trị cao cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) mang đột biến EGFR. Bên cạnh đột biến EGFR, biến đổi di truyền ngoại gen là nhân tố quan trọng tham gia vào quá trình tiến triển ung thư, trong đó có ung thư phổi. Methyl hóa gen ức chế khối u thường xuất hiện ở giai đoạn sớm của sự phát sinh ung thư. Trong ung thư ở người, một số các gen có vai trò sửa chữa sai hỏng trên DNA bị ức chế phiên mã do methyl hóa DNA, chẳng hạn như MGMT, MLH1, BRCA1.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 111 mẫu UTPKTBN sử dụng kỹ thuật realtime PCR và PCR đặc hiệu methyl (MS-PCR) để phân tích đột biến gen EGFR và methyl hóa gen MGMT, MLH1 và BRCA1.
Kết quả: 50/111 (45.1%) mẫu có đột biến gen EGFR; 42/111 (37.8%), 29/111 (26.1%) và 40/111 (36.1%) mẫu lần lượt bị methyl hóa ở gen MGMT, MLH1 và BRCA1. Phân tích chỉ ra mối tương quan nghịch giữa đột biến gen EGFR và methyl hóa gen MGMT, sự khác biệt có ý nghĩa, p<0.05. Tuy nhiên, đột biến gen EGFR và methyl hóa gen MLH1 và BRCA1 là hoàn toàn ngẫu nhiên.
Kết luận: Đột biến gen EGFR và methyl hóa MGMT là hai hiện tượng loại trừ lẫn nhau, gợi ý vai trò đối với UTPKTBN theo hai hướng độc lập
Ung thư phổi là dạng ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, hàng năm có khoảng 1.4 triệu người chết vì ung thư phổi[2]. Bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ sống trên 5 năm ở hầu hết các nước khoảng 10%.
Khoảng 80% trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phổi thuộc type không phải tế bào nhỏ[4]. Hiện nay, chất ức chế Tyrosine Kinase (Gefitinib và Erlotinib) với đích nhắm là phân tử protein receptor của yếu tố phát triển ngoại bào (EGFR) được chỉ định cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tiến triển. Đối với phương pháp điều trị nhắm trúng đích cho nhưng bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ thì việc xác định chính xác những đột biến gen EGFR là hết sực quan trọng. Sự ức chế phân tử EGFR làm cho các tế bào ung thư không tiếp tục tăng sinh, tăng phân chia, tăng khả năng di căn mà nó làm cho các tế bào này bị giữ lại ở pha G1 của quá trình phân chia hoặc đi vào quá trình chết theo chương trình[12]. Đột biến gen EGFR được chia thành 3 nhóm là nhóm nhạy cảm với với thuốc ức chế, nhóm kháng thuốc mắc phải trong quá trình điều trị và nhóm kháng thuốc nguyên phát. Đến nay đã phát hiện được khoảng 30 đột biến khác nhau của gen EGFR nằm rải rác trên 4 exon từ 18 – 21. Thường gặp nhất là đột biến mất đoạn ở exon 19 và đột biến thay thế L858R ở exon 21, chiếm khoảng 90% tổng số các trường hợp bị đột biến
Nguồn: https://luanvanyhoc.com