MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN VỚI RỐI LOẠN HÀNH VI Ở NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN HỖN HỢP HÀNH VI VÀ CẢM XÚC KHỞI PHÁT TUỔI THANH THIẾU NIÊN
MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN VỚI RỐI LOẠN HÀNH VI Ở NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN HỖN HỢP HÀNH VI VÀ CẢM XÚC KHỞI PHÁT TUỔI THANH THIẾU NIÊN
Bùi Văn Lợi 1,2,, Nguyễn Văn Tuấn1,2, Lê Thị Thu Hà
Mục tiêu: Mô tả một số yếu tố liên quan với rối loạn hành vi ở người bệnh rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc khởi phát tuổi thanh thiếu niên Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang người bệnh rối loạn hỗn hợp cảm xúc và hành vi khởi phát bệnh từ 10-19 tuổi điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia– Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 08 năm 2022. Kết quả: Nhóm rối loạn hành vi phổ biến nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là nhóm hành vi “thường vi phạm các quy tắc phù hợp với lứa tuổi” với tỷ lệ 62,9%. Tỷ lệ người bệnh có hành vi gây hấn chiếm đến 67%. Trong nhóm nghiên cứu, có đến 18,6% có ý tưởng tự sát và 14,3% có hành vi tự sát. Các yếu tố tuổi, giới và tình trạng kinh tế- xã hội không liên quan đến các nhóm rối loạn hành vi ở người bệnh. Nhóm có hành vi gây hấn có đặc điểm tuổi và tuổi khởi phát cao hơn đáng kể so với nhóm không có hành vi gây hấn. Giới tính nam có tỷ lệ có mức độ rối loạn hành vi nặng cao hơn nữ (p=0,04). Không có sự liên quan giữa rối loạn trầm cảm với các nhóm rối loạn hành vi. Kết luận: Phần lớn trẻ có rối loạn hành vi có biểu hiện vi phạm các quy tắc phù hợp lứa tuổi. Hành vi gây hấn và ý tưởng và hành vi tự sát xảy ra phổ biến ở trẻ rối loạn hành vi. Tuổi có liên quan đến sự xuất hiện hành vi gây hấn nhưng không ở các nhóm rối loạn hành vi ở người bệnh rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc khởi phát tuổi thanh thiếu niên. Giới tính nam có liên quan đến mức độ rối loạn hành vi nặng hơn. Sự tồn tại đồng diễn rối loạn trầm cảm không có ảnh hưởng đến các nhóm rối loạn hành vi.
Rối loạn hành vi là một trong các rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Rối loạn này được biểu hiện với hành vi lặp đi lặp lại và kéo dài trong đó các quyền cơ bản của người khác hay các chuẩn mực xã hội bị vi phạm. Phối hợp với rối loạn hành vi, thanh thiếu niên thường xuất hiện các biểu hiện rối loạn cảm xúc.1Có nhiếu yếu tố liên quan đến rối loạn hành vi ở lứa tuổi thanh thiếu, đó là các yếu tố cá nhân, gia đình và xã hội. Các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dự đoán rối loạn hành vi bao gồm giới tính nam, tính bốc đồng, chỉ số thông minh và thành tích học tậpthấp, cha mẹ kém sự giám sát, sự trừng phạt hoặc kỷ luật thất thường của cha mẹ, thái độ lạnh nhạt của cha mẹ, lạm dụng thể chất trẻ em, xung đột của cha mẹ, gia đình tan vỡ, cha mẹ chống đối xã hội, quy mô gia đình lớn, thu nhập gia đình thấp, bạn bè chống đối xã hội. Tuy nhiên, đối với nhiều yếu tố nguy cơ, hiện tại chưa xác định được rõ quan hệ nhân quả.2Nhằm góp phần tìm hiểu về một số yếu tố liên quan đến rối loạn hành vi ở người bệnh rối loạn hỗn hợp cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên, giúp đánh giá các yếu tố nguy cơ: Mô tả một số yếu tố liên quan với rối loạn hành vi ở người bệnh rối loạn hỗn hợp hành vi và cảm xúc khởi phát tuổi thanh thiếu niên.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com