MỨC ĐỘ TỔN THƯƠNG VÒI TRỨNG Ở PHỤ NỮ HIẾM MUỘN CÓ NHIỄM CHLAMYDIA TRACHOMATIS TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÊKÔNG
MỨC ĐỘ TỔN THƯƠNG VÒI TRỨNG Ở PHỤ NỮ HIẾM MUỘN CÓ NHIỄM CHLAMYDIA TRACHOMATIS TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÊKÔNG
Hồ Vân Phúc1, Nguyễn Hồng Hoa2, Âu Nhựt Luân2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Nhiễm Chlamydia trachomatis là một tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục hàng đầu với 4-5 triệu ca mắc mới hàng năm. Nếu nhiễm không tự thoái triển hoặc không đều trị sẽ dẫn tới tổn thương vòi trứng và hiếm muộn. Khảo sát hiếm muộn thường khảo sát tổn thương vòi trứng mà chưa khảo sát chuyên sâu mức độ tổn thương vòi trứng ở các phụ nữ hiếm muộn có nhiễm Chlamydia trachomatis.
Mục tiêu: Mô tả các tổn thương của vòi trứng theo phân mức độ tổn thương vòi trứng của Hull và Rutherford dựa vào kết quả nội soi ổ bụng của những phụ nữ hiếm muộn có nhiễm C. trachomatis tại bệnh viện phụ sản MêKông
Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Báo cáo loạt ca các phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hiếm muộn và có nhiễm C. trachomatis đến khám tại BV phụ sản MêKông. Tiêu chuẩn xác định có nhiễm C. trachomatis bằng xét nghiệm ELISA C. trachomatis dương tính (IgM hoặc IgG) hoặc xét nghiệm NAATs dương tính với C. trachomatis. Xác định tổn thương vòi trứng qua hình ảnh nội soi ổ bụng được ghi chép vào phần mềm lưu trữ của bệnh viện và đánh giá mức độ tổn thương được kiểm chứng với chuyên gia hiếm muộn.
Kết quả: Nghiên cứu 122 trường hợp (TH) phụ nữ hiếm muộn có nhiễn C. trachomatis, có 102 TH có tổn thương vòi trứng nhưng có 20 TH hoàn toàn không tổn thương vòi trứng (VT) nên không đưa vào phân độ. Khi phân độ tổn thương VT theo Hull và Rutherford chúng tôi ghi nhận có 102 TH có tổn thương gồm 47/102 TH (46%) tổn thương nặng (độ III), 55/102 TH (54%) tổn thương nhẹ (độ I và II).
Kết luận: Người phụ nữ hiếm muộn có nhiễm C. trachomatis, đa số sẽ có tổn thương vòi trứng và nhiều khả năng sẽ ở mức độ nặng.
Hiếm muộn là một vấn đề sức khỏe sinh sản khá phổ biến toàn cầu, ước tính có khoảng 8% đến 15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên thế giới(1) và khoảng 7,7% tại Việt Nam. Hiếm muộn có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó tổn thương vòi trứng là một trong những nguyên nhân chính gây ra 35% những trường hợp hiếm muộn ở phụ nữ và khoảng 11% – 30% hiếm muộn do bệnh lý vòi trứng là do viêm nhiễm. Đặc biệt, nhiễm trùng sinh dục do Chlamydia trachomatis được xác định là một trong những tác nhân chủ yếu gây bất thường vòi trứng (VT) dẫn đến hiếm muộn.